Thủ tướng: 'Chuyển đổi số đang đi từng ngõ, gõ từng nhà, chúng ta không thể đứng ngoài'

08/05/2024 15:36 GMT+7

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, 'chuyển đổi số đang đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người'. Chính phủ kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Tại sự kiện "Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024" diễn ra hôm nay 8.5, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số, đạt được nhiều thành quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện

NHẬT BẮC

Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm...

Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chuyển đổi số đang đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu".

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định trong phát triển kinh tế số, ngành ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hầu hết các lĩnh vực, các hoạt động của người dân, doanh nghiệp, các đơn vị hành chính, sự nghiệp.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số", Thủ tướng nói.

Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiêu 80% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên điện thoại di động đạt hơn 100%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh internet đạt hơn 50%.

Cạnh đó, tỷ lệ khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 49%. Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP…

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong chuyển đổi số ngân hàng.

Cụ thể, thể chế, chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc như Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung; nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt chưa được ban hành.

Thủ tướng trao đổi về các kết quả áp dụng chuyển đổi số trong giao dịch tại Ngân hàng TMCP Quân đội

Thủ tướng trao đổi về các kết quả áp dụng chuyển đổi số trong giao dịch tại Ngân hàng TMCP Quân đội

NHẬT BẮC

Ngoài ra, hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế (hạ tầng cho thương mại 5G, hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn...). Công tác bảo đảm an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức, chưa ngăn chặn được các mã độc tống tiền đang ngày càng phổ biến (quý 1/2024 đã ghi nhận gần 2.400 cuộc tấn công mạng).

Trình nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt trong quý 2

Đề cập các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, trước hết là xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; trong đó, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai luật Tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt. "Cái này giao nhiệm vụ lâu rồi, tôi đề nghị trong quý 2 cố gắng hoàn thành", Thủ tướng nói.

Tiếp đó, người đứng đầu Chính phủ đề cập tới nội dung phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với xu hướng phát triển.

Trong đó cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế (ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc…).

Nhiệm vụ tiếp theo là đẩy mạnh phát triển các hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng để tăng tính cạnh tranh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Ở nội dung phát triển dữ liệu số, tập trung kết hợp với Đề án 06 tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngân hàng và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả ứng dụng dữ liệu dân cư, chú trọng khai thác thông tin căn cước công dân gắn chip và tài khoản VNeID để định danh, xác thực thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách an toàn, tiện lợi…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của ngành ngân hàng; có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về công tác chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Cùng đó, việc đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh, an toàn; tăng cường việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT-TT… trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.