Thủ đoạn của nhóm ngư dân, cán bộ nâng khống công suất tàu, lấy tiền nhà nước

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
16/05/2024 10:26 GMT+7

3 ngư dân cùng 2 cán bộ đăng kiểm, 2 lãnh đạo doanh nghiệp móc nối để nâng khống công suất máy tàu cá nhằm trục lợi chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.

Ngày 16.5, TAND TP.Đà Nẵng kết thúc phiên xét xử sơ thẩm nhóm ngư dân, cán bộ và doanh nghiệp nâng khống công suất tàu cá để chiếm đoạt tiền nhà nước.

HĐXX tuyên phạt Nguyễn Chín 1 năm 3 tháng tù, Huỳnh Văn Liều (cùng 56 tuổi) 3 năm tù, Lê Văn Lá (71 tuổi) 1 năm 3 tháng tù (cho hưởng án treo), Ngô Hai (60 tuổi, cùng ở Q.Sơn Trà) 1 năm 3 tháng tù, Lê Văn Láng (50 tuổi, ở Q.Hải Châu) 1 năm tù, Bùi Đình Hưng (64 tuổi, ở Q.Ngũ Hành Sơn) và Ngô Quang Ánh (42 tuổi,  Q.Cẩm Lệ, cùng TP.Đà Nẵng) cùng 1 năm tù (cho hưởng án treo).

Từ phải qua: Lê Văn Láng, Ngô Quang Ánh, Ngô Hai và Bùi Đình Hưng

Từ phải qua: Lê Văn Láng, Ngô Quang Ánh, Ngô Hai và Bùi Đình Hưng

NGUYỄN TÚ

Trong số các bị cáo, Chín, Lá và Liều là ngư dân, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Hai và Láng là đăng kiểm viên hạng 2 Phòng Đăng kiểm tàu cá Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng (Hai giữ chức vụ Phó trưởng phòng); Hưng là kỹ sư máy tàu, Phó giám đốc Công ty CP kỹ thuật biển S.Tech) và Ánh là giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn thiết kế tàu thủy Tân Tiến Phong, cùng phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

Từ trái qua: Lê Văn Lá, Nguyễn Chín và Huỳnh Văn Liều

Từ trái qua: Lê Văn Lá, Nguyễn Chín và Huỳnh Văn Liều

NGUYỄN TÚ

Nâng khống công suất tàu cá để hưởng thêm tiền hỗ trợ nhiên liệu

Theo cáo trạng, tháng 2.2022, Chín nâng khống công suất máy tàu cá ĐNa-90800 của mình từ 300 CV lên 450 CV, Lá cũng tự nâng khống công suất tàu cá ĐNa-91093 từ 280 CV lên 400 CV.

Lợi dụng chính sách của nhà nước hỗ trợ cho các tàu cá khai thác ở vùng biển xa, 2 bị cáo không thay máy tàu cá mà vẫn được hưởng mức hỗ trợ tiền nhiên liệu cao hơn.

Cả hai nhờ Liều thực hiện các thủ đoạn gian dối, nghĩ ra số máy tàu chưa đăng ký quản lý tại Chi cục Thủy sản TP.Đà Nẵng và mua hồ sơ khống để xác nhận nguồn gốc hợp thức hóa, đục sửa số máy cũ thành mới, gắn mác giả, sơn lại máy.

Các giấy tờ này được Chi cục Thủy sản TP.Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Năm 2022, Chín, Lá khai thác vùng biển xa, lập hồ sơ đề nghị UBND TP.Đà Nẵng hỗ trợ tiền nhiên liệu 4 chuyến biển với tổng cộng 300 triệu đồng; trong đó chiếm đoạt tiền từ việc nâng khống công suất máy, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 160 triệu đồng (80 triệu đồng/bị cáo).

Các luật sư tham gia tranh luận tại tòa

Các luật sư tham gia tranh luận tại tòa

NGUYỄN TÚ

Liều tiếp tay cho chủ tàu Chín, Lá lừa đảo, được hưởng gần 107 triệu đồng.

Hai và Láng được phân công trực tiếp thẩm định hồ sơ thiết kế, giám sát đăng kiểm, được Liều nhờ vả làm trái công vụ, chấp nhận lắp máy trên tàu trước khi thiết kế được thẩm định. Đồng thời, không giám sát thi công cải hoán cũng như chạy thử tàu, lập khống, ký khống các tài liệu trong hồ sơ đăng kiểm.

Thủ đoạn của nhóm ngư dân, cán bộ nâng khống công suất tàu, lấy tiền nhà nước- Ảnh 4.

HĐXX tại phiên tòa

NGUYỄN TÚ

Công ty của Hưng được cấp phép cải hoán tàu cá, công ty của Ánh được thiết kế tàu nhưng đã làm theo yêu cầu của Hai, lập khống, ký khống hồ sơ đăng kiểm tàu cá không đúng quy định, tiếp tay cho Hai hoàn thiện hồ sơ đăng kiểm 2 tàu cá trên (qua đó được cấp giấy chứng nhận); tiếp tay 2 ngư dân Chín, Lá chiếm đoạt tiền hỗ trợ nhiên liệu từ ngân sách.

Trong vụ án, ông Trịnh Quang Vinh (Chi cục phó Chi cục Thủy sản), Phạm Ngọc Anh (cùng 56 tuổi, Trưởng phòng Đăng kiểm Chi cục Thủy sản) ký các giấy tờ 2 tàu cá trên, tuy để xảy ra sai phạm nhưng không thông đồng với các bị cáo. Vì vậy, cơ quan điều tra không xem xét hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng kiến nghị Sở NN-PTNT xử lý cán bộ theo thẩm quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.