Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 3)

12/01/2014 08:45 GMT+7

Sáng 18.1, HQ-4 tiến về đảo Robert (Hữu Nhật). Lúc 8 giờ, Trung đội Biệt hải được lệnh đổ bộ lên đảo. Sau khi đổ bộ và lục soát chỉ phát hiện được những nấm mộ mới đắp không hài cốt như ở đảo Quang Ảnh.

Ngày N+2: Chuẩn bị nổ súng

Sáng 18.1, HQ-4 tiến về đảo Robert (Hữu Nhật). Lúc 8 giờ, Trung đội Biệt hải được lệnh đổ bộ lên đảo. Sau khi đổ bộ và lục soát chỉ phát hiện được những nấm mộ mới đắp không hài cốt như ở đảo Quang Ảnh.

Chuyên đề: 40 năm hải chiến Hoàng Sa

Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân - Kỳ 3
Trong một hành động có tính khiêu khích, tàu cá vũ trang của Trung Quốc chắn ngang mũi tàu chiến của Việt Nam Cộng Hòa - Ảnh: Tư liệu

>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 2)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 1)

Đến 11 giờ, đài khí tượng đồn trú tại đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá mang cờ Trung Quốc xâm nhập và tiến gần đến đảo Hoàng Sa (Pattle).

HQ-4 và HQ-16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi tiến đến gần 2 tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc, HQ-4 dùng tín hiệu cảnh báo và đuổi đi nhưng cả hai tàu đánh cá cố tình khiêu khích đi sâu vào bãi san hô. Từ đài chỉ huy, bộ phận quan sát phát hiện san hô lấp lánh dưới đáy tàu và từ trung tâm tác chiến báo liên tục báo cáo độ sâu đáy tàu.

HQ-4 tiến đến gần, một tàu đánh cá Trung Quốc có ký hiệu 407, trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm, tàu được trang bị 2 thượng liên (một đằng trước mũi và một đằng xa lái tàu) ngoài ra còn có rất nhiều AK-47. HQ-4 áp sát mạn tàu đánh cá, xua đuổi. Hai bên đánh nhau bằng võ mồm.

Thấy không tác dụng, HQ-4 dùng mũi tàu ủi thẳng vào phòng lái tàu đánh cá. Mũi HQ-4 và neo mũi vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái. Trước thái độ cương quyết của ta, địch vội vàng tháo lui. HQ-16 cũng quyết liệt săn đuổi tàu đánh cá còn lại.

Lúc 11 giờ 30 ngày 18.1, tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) do Hải quân trung tá Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng. Cùng ra theo tàu có Hải quân đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy truởng Hải đội 1 Tuần dương và hộ tống ra thay mặt Tư lênh Hạm đội chỉ huy lực lượng bảo vệ Hoàng Sa. Cùng ra theo tàu có một trung đội người nhái (lực lượng đặc biệt của Hải quân).

Chiều 18.1, lúc 15 giờ 30, theo lệnh đại tá Ngạc, 3 chiến hạm sắp đội hình hàng dọc tiến thẳng về đảo Drummond (Duy Mộng).

Lúc 16 giờ, hai tàu Trung Quốc mang ký hiệu 271 và 274 cố tình khiêu khích cắt đường ngang mũi HQ-4 và HQ-16. Đội hình bị chia cắt không thể tiến lên được, vị trí các tàu rất gần nhau, các khẩu đại bác sẵn sàng nhả đạn nhưng không ai được lệnh nổ súng. Không tiến lên được, tàu được lệnh quay về nhóm đảo Hoàng Sa.

Chiều 18.1, lúc 17 giờ 30, tiểu đội thủy thủ tàu HQ-4 và tiểu đội thủy thủ tàu HQ-16 được thành lập. Tiểu đội HQ-4 do trung úy Dũng chỉ huy được lệnh đổ bộ lên đảo Quang Ảnh, được trang bị một khẩu đại liên 30, 10 AR-15, một máy bộ đàm PRC-25, trong đó có trung sĩ giám lộ Lâm cầm la bàn và hải đồ cùng bản đồ UTM. Trung đội Biệt hải được lệnh rút về HQ-4.

Đêm 18.1 rạng ngày 19.1, vẫn tình trạng tàu chiến Trung Quốc và tàu đánh cá vũ trang khiêu khích tiến đến gần đảo Hoàng Sa tiếp tục xảy ra. Tín hiệu bằng đèn vẫn tiếp tục chuyển và nhận. Những tín hiệu vẫn lặp lại như đêm hôm trước, tình hình căng thẳng và kéo dài. HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc. Khi tàu Trung Quốc rút lui về hướng bắc thì tình hình mới dịu đi.

Đêm Hoàng Sa, bầu trời không ánh trăng sao, trời tối đen như mực (nhằm 26 tháng chạp Quý Sửu). Tất cả 3 tàu đều được lệnh trong thư thế ZEBRA (không để lọt ánh sáng ra ngoài). Nửa đêm, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 do Hải quân thiếu tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng ra đến đảo, tăng cường cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa.

Ngoài ra, trong một công điện hỏa tốc chuyển về Đề đốc tư lệnh Trần Văn Chơn, một lực lượng hùng hậu của Hải quân Việt Nam đang trên đường trực chỉ Hoàng Sa. Lúc 2 giờ sáng 19.1, HQ-4 và HQ-5 được lệnh quay về Đà Nẵng để đánh lạc hướng theo dõi của ra-đa tàu địch.

Cách Hoàng Sa 25 hải lý, hai tàu ngoặt về phía nam, vòng ra ngoài và hướng về phía đông nam đảo Duncan (Quang Hòa). Khoảng 5 giờ sáng, HQ-16 và HQ-10 được lệnh hướng về đảo Quang Hòa từ mặt tây bắc để thu hút tàu địch. (Còn tiếp)

Lữ Công Bảy

>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 3: Toan tính của Trung Quốc
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 2: Hoàng Sa ở Hội đồng Bảo an LHQ
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 1: Bàn cờ nước lớn
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 5: Mùa xuân nhớ con anh hùng
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 4: Cuộc trở về của Nguyễn Văn Lanh
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.