Khẩn trương thay đổi

01/12/2013 03:00 GMT+7

Báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp QH hôm 21.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận: “Đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán”. Còn Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh sau đó cũng khẳng định nếu không tiếp tục đổi mới, VN sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư ngay cả trong nước, chứ chưa nói đến đầu tư nước ngoài.

Ngoài hạ tầng, lợi thế lao động rẻ đã mất, thì thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng đang được đánh giá là một trong nhóm các thủ tục khó khăn hàng đầu đối với doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Sau một thời gian vắng bóng, tình trạng giấy phép “con” trong đầu tư đang có dấu hiệu quay trở lại, dưới dạng điều kiện kinh doanh, giấy phép hành nghề… Một số địa phương cũng ban hành văn bản làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính như quy hoạch ngành, sản phẩm…

Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) công bố hôm 20.8.2013, riêng giai đoạn đầu tiên khi bước vào thị trường, DN đã phải trải qua ít nhất 18 thủ tục hành chính “con” chính thức. Bên cạnh đó, DN nước ngoài còn phải đối mặt với hệ thống các quy định chồng chéo về điều kiện đầu tư, quy định ưu đãi đầu tư… Chưa hết, sự không nhất quán về thủ tục còn dẫn đến chuyện cùng là thủ tục hành chính về đầu tư nhưng mỗi địa phương một khác; DN gặp nhiều rủi ro từ nhiều quy định không giống nhau, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, dễ dẫn đến lạm quyền và tiêu cực.

Câu chuyện dự án 5 tỉ USD của Tập đoàn thép Tata (Ấn Độ) phải nằm “bất động” 4 năm liền vì sự chậm chạp trong giải phóng mặt bằng của tỉnh Hà Tĩnh, thường được nhắc đến tại các diễn đàn đầu tư nước ngoài, đáng tiếc lại không phải là sự việc đáng xấu hổ hiếm hoi.

Không thể phủ nhận các nỗ lực của các cơ quan hữu quan trong việc tái khẳng định tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại VN, trong đó rõ rệt nhất là việc tái ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt tín dụng và hạ mức lạm phát một cách quyết liệt. Tuy nhiên, điều đó không khỏa lấp được nhu cầu giải quyết các vấn đề hiện hữu.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, VN cần thiết kế được “bộ thủ tục hành chính” chuẩn, về lâu dài cần ban hành luật về thủ tục hành chính để cải cách thủ tục về đầu tư. Đây là việc phải làm nhưng sẽ cần nhiều thời gian, trong khi sự tăng hạng cạnh tranh của các nước trong khu vực không chờ đợi chúng ta. Do vậy, cần tìm ra điểm nhấn để đo lường sự thay đổi, cải cách lập tức. Lâu nay, chúng ta mới nói mà chưa làm được bao nhiêu. Cần rà soát ngay một số nhóm lĩnh vực ưu tiên thuộc yếu tố đầu vào (đất đai, lao động) hoặc cơ sở hạ tầng (năng lượng, giao thông vận tải),… để đưa ra kế hoạch cải cách thủ tục rõ ràng, cụ thể, trong 300, 500 hoặc 1.000 ngày chẳng hạn; coi đó như một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.