Ở nơi 'với tay là đụng máy bay'

11/12/2013 17:35 GMT+7

(TNO) Từ lâu người dân ở quận Gò Vấp (TP.HCM) đã phải gồng mình thích nghi với cuộc sống thường nhật ngay phía dưới đường hạ cánh của máy bay.

(TNO) Từ lâu người dân ở quận Gò Vấp (TP.HCM) đã phải gồng mình thích nghi với cuộc sống thường nhật ngay phía dưới đường hạ cánh của máy bay khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đứng từ dưới đất nhìn lên, tưởng chừng như chỉ cần leo trên nóc nhà với tay là có thể đụng được máy bay.

>> ‘Nghi án’ máy bay tốc mái nhà: Cảng vụ Hàng không ghi nhận hiện trường
>> Thêm một ‘nghi án’ máy bay làm tốc mái nhà dân
>> Video clip: Người dân sống dưới đường hạ cánh của máy bay bất an


Cứ khoảng 10 phút là có chuyến bay ngang qua nhà những hộ dân khu vực phường 10, quận Gò Vấp - Ảnh: Độc Lập


Trong những ngày vừa qua, dư luận xôn xao về "nghi án" máy bay hạ cánh làm tốc mái nhà người dân ở khu vực đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp).

Nơi máy bay hạ độ cao thấp nhất ở khu vực dân cư để hạ cánh là phường 10, quận Gò Vấp. Trung bình ban ngày cứ khoảng hơn 10 phút sẽ có một chuyến bay hạ cánh, buổi chiều tối thì mật độ dày hơn, trung bình khoảng 5 phút. Chịu ảnh hưởng lớn nhất là tiếng ồn của động cơ.

Những người dân sinh sống ở khu vực này chia sẻ, họ đã gồng mình thích nghi với tiếng ồn của máy bay hàng chục năm qua, nên giờ đã quá quen với tiếng ồn vì vậy cũng không ảnh hưởng gì lắm tới cuộc sống sinh hoạt thường nhật. Tuy nhiên, với người mới đến sinh sống thì khác, do chưa quen nên ban đêm thường hay mất ngủ, còn trẻ con hay bị giật mình kêu khóc.

Trong khi đó, một số trường học ở khu vực này chọn giải pháp làm phòng kính, cách âm để tiếng ồn không làm ảnh hưởng đến giờ học.

Còn các quán cà phê có sân thượng thường đông khách vào buổi chiều tối, đó là vì thời điểm này mật độ hạ cánh của máy bay liên tục và nhiều hơn, dễ thu hút số lượng lớn người dân thư giãn bằng việc ngắm máy bay thật gần.

Cùng xem lại những hình ảnh máy bay hạ cánh băng qua gần nóc nhà dân ở khu vực quận Gò Vấp mà phóng viên Thanh Niên Online ghi được sáng 11.12:


Máy bay băng qua nóc nhà dân gần đến nỗi tưởng như với tay là tới


















Tiếng ồn máy bay ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?

Bác sĩ Đỗ Hồng Giang, Trưởng khoa Thính học, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM phân tích, tiếng ồn máy bay thuộc vào nhóm tiếng ồn động cơ và mức dao động tiếng ồn là trong khoảng 110 - 120 decibel.

Bình thường khi nói chuyện thì tiếng ồn chỉ ở mức cao khoảng 60 decibel, nếu trên 75 decibel thì tai sẽ sinh ra phản xạ co cơ kéo màng nhĩ chùng ra để xương tai không đập thẳng vào ốc tai từ đó giúp bảo vệ tai nhưng chỉ có hiệu quả với tiếng ồn nhanh, đột ngột. Với tiếng ồn kéo dài thì phản xạ co cơ này không có tác dụng.

Những người thường tiếp xúc với tiếng ồn ở những khu vực như sân bay sẽ bị tác động nhiều về mặt tâm lý, sinh lý. Người dân sống ở khu vực này lâu sẽ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, stress. Lúc này, cơ thể sẽ sản sinh ra độc tố tác động tới thính giác, hệ thần kinh, tim mạch. Tuy hậu quả không đột ngột nhưng lại diễn tiến từ từ. Có thể 5 đến 10 năm người chịu ảnh hưởng tiếng ồn nhiều thì hậu quả mới rõ rệt và so với người bình thường thì những người này sẽ bị lão hóa cơ quan thính giác trước khoảng 10 đến 20 năm.

Bác sĩ Giang lưu ý: “Kích thích thính giác lâu sẽ làm ảnh hưởng đến thần kinh tiếp nhận nghe, gây ù tai, đau tai, cảm giác nghe không rõ ràng, giảm sức nghe từ từ. Tuy là biểu hiện chậm nhưng đây là những tổn thương vĩnh viễn, không hồi phục”.

Bác sĩ Giang cũng cho rằng ở những khu vực gần sân bay cần có hệ thống giảm ồn hay tường chắn âm thanh để giảm tiếng ồn khi máy bay đáp xuống và bảo vệ sức khỏe cho người dân sống gần khu vực này.

Hà Minh (ghi)

Độc Lập
(thực hiện)

>> ‘Nghi án’ máy bay tốc mái nhà: Cảng vụ Hàng không ghi nhận hiện trường
>> Thêm một ‘nghi án’ máy bay làm tốc mái nhà dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.