Nỗ lực đưa đường dây 500 kV mạch 3 về đích

29/11/2013 11:26 GMT+7

Ngày 24.11, đường dây 500kV Đăk Nông - Phú Lâm và Tân Định - Phú Lâm đã đóng điện đưa vào vận hành an toàn, kết thúc chiến dịch 55 ngày đêm (từ 1.10 đến 24.11) thi công đoạn phức tạp nhất của dự án.

 Nỗ lực đưa đường dây 500 kV mạch 3 về đích
Ông Tuyển trao đổi công việc với đơn vị thi công - Ảnh: Linh Phạm

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án các công trình điện miền Trung cho biết, chiến dịch 55 ngày đêm hoàn thành đúng tiến độ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam nói chung, TP.HCM nói riêng trong mùa khô 2014; đồng thời, tạo điều kiện cho việc thi công đường dây 500kV mạch 3 đảm bảo về đích đúng hẹn vào tháng 4.2014.

Theo ông Tuyển, đến thời điểm này về cơ bản khâu bàn giao mặt bằng cho thi công dự án đã thực hiện xong, bàn giao mặt bằng được 918/926 vị trí. Tuy nhiên để có được diện tích mặt bằng này không hề dễ dàng, công trình vẫn bị ảnh hưởng tiến độ bởi một số ít hộ dân. Mặc dù Thủ tướng đã có công điện yêu cầu, UBND các địa phương cũng đã thành lập nhiều đoàn công tác, đến từng hộ dân để giải thích, tuyên truyền, vận động, nhưng ngay trước ngày đóng điện đợt 1 (10.11.2013), tại trụ điện cuối cùng của đường dây 500kV Tân Định - Phú Lâm vẫn không thể tháo dỡ được chỉ vì một hộ dân cương quyết không chịu nhận đền bù để bàn giao mặt bằng. Phải mất tới 20 lần vận động tới lui, bà con mới đồng ý bàn giao mặt bằng ngay trước giờ ra quân tháo dỡ.

“Dự kiến công tác đúc móng sẽ kết thúc chậm nhất vào ngày 10.12.2013. Về việc cung cấp cột thì đến thời điểm này cơ bản đảm bảo tiến độ thi công của các nhà thầu, việc cung cấp cột cũng sẽ được kết thúc trong tháng 11 này. Chúng tôi dự kiến, việc dựng cột phải cơ bản hoàn chỉnh trong tháng 12 để tiến hành kéo dây”, ông Tuyển nói.

Được biết, vốn của công trình đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông có nhiều thuận lợi do được sự chỉ đạo hỗ trợ từ phía Chính phủ. Theo ông Tuyển, dù việc giải ngân liên quan đến vốn xây lắp đã ký với ngân hàng Vietinbank vẫn thực hiện được, nhưng Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia, đã tạo mọi điều kiện ứng vốn để giải quyết tạo điều kiện cung cấp cho các nhà thầu, đảm bảo vốn cho các nhà thầu có vốn gối đầu để thi công tiếp. “Phần cung cấp vật tư thiết bị khoảng 100 triệu USD, đang trong giai đoạn ứng 10% và thanh toán các chuyến hàng đầu, cho nên khối lượng giải ngân không lớn. Khối lượng xây lắp khoảng 1.920 tỉ đồng, thời điểm này đã thanh toán được hơn 40%”, ông Tuyển nói.

Có được nhiều tín hiệu tích cực từ vốn, giải phóng mặt bằng, nhưng ông Tuyển vẫn cho rằng: đối với đường dây truyền tải thì chỉ khi nào kéo được hết dây lên cơ bản mới hết khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo được tiến độ trong tháng 4.2014, rất cần được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền địa phương các cấp, từ thôn xã, đến cấp huyện và cấp tỉnh. Đến thời điểm này, việc giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng của 6 tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM đã có chủ trương đầy đủ. Vấn đề là, theo ông Tuyển, việc thực thi chủ trương này, từ việc hoàn thành các phương án đền bù được phê duyệt, trả tiền đến vận động các hộ dân chấp hành để giải tỏa hành lang, có thể ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

“Kinh nghiệm thi công các dự án đường dây trước cho thấy, ở nơi nào chính quyền địa phương ủng hộ, nơi đấy có sự thành công. Đặc biệt, rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền và mỗi hộ dân, vì thực tế, ngay cả khi chỉ còn một hộ dân chưa đồng thuận sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ công trình, dự án”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Linh Phạm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.