Giúp con đi học một mình

07/12/2013 02:50 GMT+7

Ở các thành phố lớn, không còn là chuyện lạ khi ngay cả học sinh trung học phổ thông cũng được ba mẹ đưa đón đi học mỗi ngày.

Giúp con đi học một mình  
Từ bậc THCS, nếu được hứng dẫn kỹ, học sinh vẫn có thể tự đi học một mình - Ảnh: Bạch Dương 

Nghỉ việc để... đưa đón con

Trước thực tế trên, các chuyên gia nghiên cứu về xã hội học cho rằng nguyên nhân xuất phát trước hết từ tâm lý phụ huynh muốn bao bọc, chăm lo để bảo đảm an toàn cho con khi đến trường. Bên cạnh đó, hiện nay, ngoài đường có nhiều cạm bẫy, tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Nếu chưa trang bị cho trẻ kỹ năng thì rất dễ bị lừa đảo, móc túi, nguy hiểm khi đi bộ hay đi xe buýt. Và các phương tiện giao thông công cộng hiện chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, chẳng hạn như việc chủ động về thời gian, tạo uy tín về độ an toàn…

Một phụ huynh có con học THPT tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết do công ty quản lý thời gian làm việc chặt chẽ, cuối cùng phải nghỉ việc để dành 2 buổi sáng chiều đưa đón con gái đang học lớp 11. Tuy nhiên, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, khẳng định: “Nếu trẻ được trang bị những kỹ năng quan trọng để ứng phó trước các tình huống thì phụ huynh có thể dạy con đi bộ, đi xe buýt và yên tâm khi chúng thực hiện”. Theo thạc sĩ Hòa An, những em biết sử dụng phương tiện giao thông công cộng có khả năng xoay xở những tình huống trong cuộc sống một cách hiệu quả. 

Tập kỹ năng càng sớm càng tốt

Cũng theo thạc sĩ An, ngay từ lớp 6, khi trẻ bắt đầu có trình độ nhận thức, suy nghĩ bắt đầu chín chắn, phụ huynh có thể yên tâm cho trẻ tự lập với chính khả năng của mình. Tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với phương tiện, dịch vụ công cộng…

Vũ Chi Mai, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Cát Linh (Q.Đống Đa, Hà Nội), chỉ được mẹ chở đi học buổi sáng, còn lại buổi chiều phải tự đi bộ 2 km từ trường về nhà. Mẹ của Chi Mai chia sẻ: “Khi còn nhỏ, tôi đã dạy con học thuộc số điện thoại đi động của bố mẹ, điện thoại nhà riêng và nhà người thân, học thuộc địa chỉ chính xác của nhà mình, nhà ông bà. Dạy con về màu sắc và ý nghĩa đèn hiệu giao thông và một số biển hiệu giao thông đơn giản, hướng dẫn cách sử dụng điện thoại di động, điện thoại ở bốt điện thoại để trẻ sử dụng khi cần thiết. Dạy con sang đường thì cần đi theo người lớn để cùng tránh xe. Đi về chung cùng với bạn, tránh đi một mình”.

Chị Lê Thị Ngọc Linh, có con học lớp 7 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho rằng: “Quan trọng là việc phòng tránh mối nguy hiểm, vì chúng quá nhỏ, nếu gặp kẻ gian là người lớn thì chúng khó mà chống cự được”. Chị Linh kể: “Để hằng ngày cháu có thể đi bộ hơn 1 km đến trường tôi đã dặn con cố gắng tránh đi vào nhà vệ sinh công cộng một mình, nếu có bạn đi cùng thì nên trông chừng nhau. Trên đường đi không nhận bất cứ món đồ ăn nào từ người lạ, không nói chuyện với người lạ. Ở trường, ngoài giáo viên, con không được tin vào bất cứ một thông tin gì khác nếu không phải trực tiếp ba mẹ dặn dò”. Mới đây, chị Linh còn cho con học võ aikido để tự phòng vệ .

Bích Thanh 

>> Học sinh TP.HCM nghỉ Tết Nguyên đán 16 ngày
>> Tiếp tục hỗ trợ học sinh vùng bão, lũ
>> Tháng 1.2014, thi học sinh giỏi quốc gia 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.