Thợ trang điểm rẽ hướng khởi nghiệp với cơm tấm Long Xuyên cách tân

22/06/2023 08:00 GMT+7

Mạnh dạn rẽ hướng khởi nghiệp với cơm tấm Long Xuyên đựng trong hộp giấy mang đi, anh Trần Lê Tuấn Anh (31 tuổi) thu nhập hơn 400.000 đồng mỗi ngày.

Cách tân hình thức cho cơm tấm truyền thống

Cơm tấm Long Xuyên của anh Tuấn Anh (ngụ P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) vừa giữ lại hương vị của cách làm truyền thống, vừa được cách tân bằng cách đựng trong hộp giấy thân thiện với môi trường.

Thợ trang điểm rẽ hướng khởi nghiệp với cơm tấm Long Xuyên cách tân - Ảnh 1.

Anh Tuấn Anh với hộp cơm tấm bằng giấy chuẩn vị

DUY TÂN

Tuấn Anh, kể: "Minh có nhiều năm làm nghề make up (trang điểm). Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, mình bị thất nghiệp trong thời gian dài. Trong thời gian đó, mình nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp với cơm tấm Long Xuyên. Được mẹ ủng hộ, nên mình mạnh dạn rẽ hướng, bắt đầu bán cơm tấm từ năm 2021 và không làm thợ trang điểm nữa".

Theo anh Tuấn Anh, thời gian đầu không ít khó khăn, lượng khách biết đến chưa nhiều nên anh chủ yếu bán online thông qua các trang mạng xã hội. Nhờ nhạy bén trong kinh doanh và giữ được chất lượng cơm ngon nên ngày càng có nhiều khách hàng thân thiết.

Thợ trang điểm rẽ hướng khởi nghiệp với cơm tấm Long Xuyên cách tân - Ảnh 2.

Cơm tấm Long Xuyên được cách tân để trong hộp giấy thân thiện với môi trường

DUY TÂN

Điểm đặc biệt là cơm tấm Tuấn Anh đựng trong hộp giấy, trang trí đơn giản, sử dụng muỗng gỗ, hoàn toàn không dùng đến vật dụng nhựa. "Nhận thấy việc sử dụng các chất liệu nhựa sử dụng một lần làm ảnh hưởng lớn đến môi trường nên tôi nảy sinh ý tưởng làm hộp giấy, muỗng gỗ cho thân thiện với môi trường", Tuấn Anh chia sẻ.

Thợ trang điểm rẽ hướng khởi nghiệp với cơm tấm Long Xuyên cách tân - Ảnh 3.

Cơm tấm do Tuấn Anh làm giữ trọn vẹn hương vị truyền thống

DUY TÂN

Cũng theo Tuấn Anh, với cơm tấm Long Xuyên của anh, điểm thu hút nằm ở công thức, giữ trọn vẹn hương vị truyền thống từ nguyên liệu đến cách chế biến và trình bày món ăn. Anh dùng tấm nhuyễn, khi nấu chín có vị ngọt nhẹ, bùi bùi và hương thơm dịu đặc trưng, hạt cơm khá tơi, không dính nhão. Nguyên liệu để làm gồm: thịt khìa, trứng khìa, bì, dưa chua. Thịt khìa phải đậm đà, thịt mềm và có những vân mỡ đan xen giữa những thớ thịt nên ăn rất ngon.

Thợ trang điểm rẽ hướng khởi nghiệp với cơm tấm Long Xuyên cách tân - Ảnh 4.

Tuấn Anh còn bán cơm sườn trong hộp giấy

DUY TÂN

Mong muốn quảng bá món ăn đặc trưng của địa phương

Nguyên liệu đơn giản nhưng sự cầu kỳ trong cách chế biến đem lại sự hấp dẫn cho cơm tấm Long Xuyên. Thịt sau khi sơ chế được khìa cùng nước dừa, thịt lên màu vàng tự nhiên hơn. Trứng sau khi luộc cũng được khìa với nước khìa thịt và để lửa nhỏ đến khi cạn nước, trứng chuyển màu cánh gián thì tắt bếp.

Thợ trang điểm rẽ hướng khởi nghiệp với cơm tấm Long Xuyên cách tân - Ảnh 5.

Hộp cơm sườn bì chả

DUY TÂN

Một dĩa cơm tấm Long Xuyên hoàn chỉnh cần đến sự bổ trợ của nước mắm chua ngọt đậm vị. Chỉ cần chan một lượng nhỏ vào cơm đã cảm thấy vừa miệng, đó là điều khác biệt của món ăn này.

"Cơm tấm Long Xuyên là món ăn bình dân, đơn giản nhưng có sức hấp dẫn rất riêng. Với cách chế biến độc đáo và hương vị thơm ngon đặc trưng, món ăn này hứa hẹn mang đến trải nghiệm ẩm thực mới mẻ. Tôi mong muốn đưa món ăn này đi xa hơn nữa để giới thiệu ẩm thực đặc trưng quê mình với mọi người", anh Tuấn Anh nói.

Thợ trang điểm rẽ hướng khởi nghiệp với cơm tấm Long Xuyên cách tân - Ảnh 6.

Hộp cơm ba rọi

DUY TÂN

Mỗi ngày, anh Tuấn Anh bán gần 60 hộp cơm tấm, mỗi phần 25.000 đồng. Ngoài ra, anh còn bán thêm cơm sườn, gà nướng mật ong, thịt ba chỉ nướng muối ớt với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/hộp. Nhờ đó, anh có thu nhập hơn 400.000 đồng/ngày.

Vừa qua, anh Tuấn Anh được Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang trao vốn khởi nghiệp với số tiền 50 triệu đồng. Với số vốn này, anh có thêm cơ hội mở rộng kinh doanh.

Thợ trang điểm rẽ hướng khởi nghiệp với cơm tấm Long Xuyên cách tân - Ảnh 7.

Hộp cơm đùi gà

DUY TÂN

Chị Trương Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang, cho biết mô hình khởi nghiệp của Tuấn Anh được trung tâm đánh giá cao. Từ món ăn đặc trưng quê hương, anh đã cách tân bằng cách đưa vào hộp giấy nhưng vẫn giữ trọn vẹn hương vị truyền thống. Mô hình này vừa góp phần tăng doanh thu, nâng cao thu nhập cho thanh niên có khát vọng khởi nghiệp chính đáng, vừa bảo vệ môi trường. Góp phần quảng bá món ăn đặc trưng của địa phương với nhiều người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.