Giá vé xe tết tăng tới 61%

13/01/2014 06:00 GMT+7

Nhu cầu đi lại của người dân tăng lên vào dịp Tết Nguyên đán khiến cho giá vé xe năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái, có hãng thậm chí tăng giá tới 61%.

 
 Giá vé xe dịp tết sẽ tăng cao khoảng 1 tháng trước và sau tết - Ảnh: Đan Hạ

Theo ông Vương Duy Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV bến xe Hà Nội, đến thời điểm này, đã có tổng cộng 17 doanh nghiệp (DN) xin tăng giá vé, trong đó Bến xe Giáp Bát có 5 DN với mức tăng từ 20% đến 61%; Bến xe Mỹ Đình có 9 DN đăng ký tăng giá với mức tăng cao nhất là 18%; Bến xe Nước Ngầm cũng có 3 đơn vị vận tải báo tăng giá vé khoảng 40%, phổ biến ở các tuyến Hà Nội - Nghệ An, Hà Nội - Gia Lai.

Giá vé tăng phần lớn được các doanh nghiệp áp dụng từ khoảng ngày 15.1 đến giữa tháng 2.2014. Cụ thể, ở bến Giáp Bát, mức tăng theo số tuyệt đối dao động từ 30.000 đồng/vé đến xấp xỉ 500 nghìn đồng, tùy tuyến chạy, như chặng Hà Nội-Nam Định tăng từ 70.000 đồng lên 100 nghìn đồng/vé, Hà Nội-TP.HCM (Bến xe Miền Đông) tăng thêm gần 400 nghìn đồng/vé… Còn tại bến Mỹ Đình, mức tăng cao nhất là chặng Mỹ Đình - Nghệ An (từ 170 nghìn lên 200 nghìn đồng/vé), các chặng khác mức tăng dao động trên dưới 100 nghìn đồng/vé. Anh Tùng, phụ xe cho tuyến Hà Nội - Đô Lương (Nghệ An) cho biết, xăng dầu liên tiếp tăng giá đẩy chi phí lên nên các hãng xe phải tăng giá để bù đắp. Tăng giá vé còn để bù đắp chi phí cho những chiều rỗng khách.

Theo khảo sát của Thanh Niên, phần lớn hành khách được hỏi đều kêu trời với mức tăng giá vé của các nhà xe. Năm nào cũng phải đi xe ít nhất 2 vòng từ Hà Nội về Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Tuấn, SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, mọi năm đi máy bay, nhưng năm nay, không có nhiều tiền nên chuyển sang đi xe khách. “Theo thông tin từ nhân viên Bến xe Giáp Bát, giá vé chặng Hà Nội - Đà Nẵng năm nay đã tăng từ 380 nghìn đồng lên 610 nghìn đồng. Như vậy là quá cao”, sinh viên này nhận xét.

Với những tuyến xe đến các tỉnh thành lân cận như Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương..., việc tăng giá cước như trên đã tạo thêm gánh nặng chi phí cho một bộ phận lớn công nhân, người lao động ngoại tỉnh có thu nhập thấp và trung bình về quê ăn Tết. Chị Phạm Thị Nhàn, quê ở H.Vụ Bản, Nam Định, làm nghề gánh thuê hoa quả tại chợ Long Biên (Hà Nội) cho biết, với giá vé tăng cao, có khả năng chị sẽ tìm cách đi nhờ người quen về quê ăn Tết. “Việc nhà xe tăng giá vé cao dịp này khiến cho những người có thu nhập bình quân ngày chỉ vài chục nghìn đến hơn 100 nghìn đồng như chúng tôi phải đắn đo, tính toán phương án về quê”, chị Nhàn chia sẻ.

Về giá vé xe tăng, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình lý giải: năm nào cũng vậy, cứ những ngày gần Tết là sẽ tăng để các nhà xe bù lỗ do chỉ có khách một chiều. Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết đã cảnh báo các nhà xe, nếu tăng giá vé cao quá sẽ không có khách đi. Lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình cũng khuyến cáo người dân nên vào bến mua vé để tránh bị chặt chém.

Trước đó, trong công điện khẩn gửi các cơ quan ban ngành về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ yêu cầu các sở ban ngành cần có biện pháp ngăn ngừa tăng giá vé trái quy định cũng như hiện tượng tiêu cực trong bán vé tàu xe dịp Tết.

Đan Hạ

>> Vé xe tết: Nhiều tuyến phụ thu từ 10 - 30%
>> Video clip: Hối hả mua vé xe Tết Giáp Ngọ
>> Vé xe Tết: Vừa mở bán đã hết vé ngày cao điểm?
>> Bến xe Miền Tây bán vé xe tết từ 10.1.2014
>> Giảm 20% vé xe Tết cho sinh viên khó khăn
>> Giá vé xe tết tăng đến 60%

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.