Nữ 'hiệp sĩ' thiện nguyện: Phát quà hoài không giải quyết được gốc rễ vấn đề

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
07/12/2020 14:01 GMT+7

Từ bỏ công việc ổn định, một 'nữ hiệp sĩ' suốt năm năm qua lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa ở nhiều tỉnh thành để làm thiện nguyện.

Không rõ vì sao mọi người vẫn gọi chị là chị Nguyệt (tên thật là Đào Thị Minh Lệ, 33 tuổi, quê Bạc Liêu). Nhưng với nhiều người, dù gọi tên gì, chị vẫn là một "nữ hiệp sĩ thiện nguyện".
Hôm gặp chị mới rồi, thấy chị đang mệt mỏi lắm vì mới trở về từ chuyến đi hai tuần ở tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Thuận để trao học bổng cho các em học sinh thuộc chương trình “Khuyến học”. Thế mà chị bảo "mình sắp xuống Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) để xây nhà tình thương cho một hộ gia đình có nhà bị sập do bão". Thật nể chị.
Chị Nguyệt là một trong những người phụ nữ đam mê thiện nguyện theo mô hình bền vững nổi bật ở phía Nam.

Bỏ việc đi làm thiện nguyện

Sau khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ học, chị Nguyệt làm biên tập viên truyền hình. Thời điểm năm 2012, chị Nguyệt cùng nhiều người bạn lập ra một nhóm thiện nguyện nhỏ để chuyên phát quà, gạo… cho các hoàn cảnh khó khăn và quyên góp tiền hỗ trợ cho trẻ bị ung thư.
“Đến năm 2015, tôi nhận thấy hình thức phát quà, gạo... không mang lại sự thay đổi lâu dài mà còn có thể làm cho người thụ hưởng ỷ lại. Sau đó, đi học nhiều lớp về làm việc cộng đồng, vận động chính sách, tôi quyết định lập ra tổ chức tình nguyện Y Tâm, đến cuối tháng 8, Y Tâm có giấy phép hoạt động do Sở KH-ĐT TP.HCM quản lý”, chị Nguyệt kể.
Chị cho biết thêm: “Bên cạnh việc hỗ trợ của mạnh thường quân, chúng tôi còn bán lồng đèn, bán quần áo cũ... để gây quỹ. Những ngày đầu Y Tâm hoạt động rất khó khăn, nhất là việc gây quỹ từ thiện. Trong khoảng thời gian đó, tôi xoay sở quỹ hoạt động bằng kinh phí cá nhân của tôi ở một tiệm làm đẹp. Qua thời gian, có nhiều chuyến thiện nguyện, dự án mới có nhiều mạnh thường quân tin tưởng đồng hành...”

Chị Nguyệt đồng hành với người đồng bào dân tộc thiểu số trong dự án nước sạch Buôn Tar

Ảnh: NVCC

Điều đặc biệt, những dự án của chị Nguyệt và Y Tâm hướng tới đối tượng trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Trong số đó, có hai dự án “Cộng đồng” và “Khuyến học” xuyên suốt. Hoạt động chủ yếu như xây nhà tình thương cho những hộ vùng xa, xây dựng cầu, đường nông thôn ở một số tỉnh miền Tây, giếng nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số; bảo trợ học bổng dài hạn cho những trẻ mồ côi, khó khăn và có tài năng ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận.
"Mọi dự án dài hạn tôi làm đều hướng tới sự minh bạch và có sự giám sát của cộng đồng. Nhóm sẽ khảo sát tình hình địa bàn thực tế trước như hộ nghèo, trường học vùng xa... rồi sẽ gặp chính quyền địa phương để trao đổi. Với những dự án bền vững cần có sự tham gia, hợp tác với chính quyền địa phương, một là để thúc đẩy sự giải trình về nguồn quỹ một cách minh bạch với mạnh thường quân và trên cổng thông tin tổ chức, hai là nhằm đảm bảo sự giám sát, theo dõi của địa phương từ lúc dự án bắt đầu cho tới khi hoàn thành xong, vừa mang tính xây dựng, vừa rõ ràng, tránh trường hợp đối tượng thụ hưởng hiểu sai dự án", chị Nguyệt cho biết.

Khát khao "không ai bị bỏ lại"

Chị Nguyệt nói, tháng 11 vừa qua, đồng bào Buôn Tar tới Yang Mao (H.Krông Bông, Đăk Lăk) mới kỷ niệm tròn một năm Y Tâm xây dựng dự án nước sạch. “Đồng bào mình ở Buôn Tar không có nước sạch để dùng. Bà con phải mang nước suối về dùng trực tiếp, cả ăn uống lẫn sinh hoạt nhưng nguồn nước ngày càng ô nhiễm do thuốc trừ sâu, phân bón hóa học... Điều kiện của bà con lại không đáp ứng được việc xây dựng giếng sạch nên dù biết rằng nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe, họ vẫn phải dùng. Khi xây dựng dự án đây, bà con mừng lắm. Làm xong dự án tiền vẫn còn dư, cả buôn dùng lập ra một quỹ cộng đồng, giáo dục cho con em nữa”, chị Nguyệt kể lại.

Dự án nước sạch ở Buôn Tar (xã Yang Mao) của Y Tâm

Ảnh: NVCC

Chị Nguyệt thường đi vận động chính sách và “rêu rao” khắp các diễn đàn về việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng... của trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số hay người dân ở vùng sâu vùng xa. Chị luôn khát khao một xã hội không còn rào cản về khoảng cách địa lý, phân biệt đối xử hay những cách biệt về văn hóa.
Ngoài những dự án do chị điều phối, chị Nguyệt còn là thành viên vận động chính sách của nhóm dự án “Trang mới cuộc đời” mấy năm qua. Dự án này phối hợp với Sở Tư pháp TP.HCM, chuyên hỗ trợ làm giấy khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ bị bỏ rơi, trẻ em lang thang, trẻ mồ côi...) tại TP.HCM, tính đến nay, đã giúp 230 trẻ có giấy khai sinh, mở ra một trang mới để các em có thể tiệm cận các quyền con người, được đi học, có thẻ BHYT...

Chị Nguyệt (trái) là thành viên của nhóm dự án “Trang mới cuộc đời”

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Với mong muốn cháy bỏng là vậy, thế mà chị Nguyệt “tạo phản”: “Tôi mong mình có thể dẹp Y Tâm đi. Với tôi, việc thiện tốt nhưng tạo ra sự thay đổi, phát triển còn tốt hơn. Nếu chỉ giải quyết cho lương tâm yên ổn thì chưa đủ. Tôi chỉ hy vọng một ngày nào đó sẽ không phải chứng kiến khoảng cách, bất bình đẳng…; những đôi chân trần, sình lầy do phải mò cua, bắt ốc của nhiều trẻ em vùng sâu vùng xa ở Hậu Giangg ám ảnh tôi. Phải làm sao đó để ai cũng có thực phẩm, y tế tốt; còn người đồng bào mình không phải sống mà cứ lo lắng điện, nước; làm sao đó để không ai bị bỏ lại phía sau...”.

Kêu gọi hỗ trợ sau lũ, sống chung với lũ ở miền Trung

Chuyến đi một tháng ở Quảng Bình năm 2016 của chị Nguyệt

Ảnh: NVCC

Mới đây, chị Nguyệt tiếp tục “đăng đàn” để kêu gọi mọi người hỗ trợ sau lũ ở miền Trung.
Chị kể: “Năm 2016 Quảng Bình có lũ lớn, tôi đã ở vùng lũ Bố Trạch và Thượng Trạch gần một tháng. Khi lũ còn, nhiều đoàn từ thiện phát quà, có chung tấm lòng giúp đỡ bà con trong mùa lũ nhưng có nhiều cách làm chưa được tinh tế như để bà con đợi trong nắng, kêu tên từng người lên cầm quà để chụp hình cho đẹp... Gạo và mì gói là hai thức được phát rất nhiều nhưng rồi quá tải, người dân không thể ăn mì suốt, họ cũng cần rau xanh!”, chị nói.
Chị Nguyệt bảo: “Hết lũ rồi rất hiếm có đoàn nào hỗ trợ bà con phục hồi. Tôi ở đó, thấy những ngồi nhà bị tốc mái; nguồn nước giếng bị ô nhiễm kéo theo bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, có những buôn bị ô nhiễm phân gia súc, mùa vụ mới ở trước mắt mà không có hạt giống để trồng...”.
Thế là, một tháng ở đó lăn lộn với đồng bào, chị Nguyệt thường xuyên quá giang xe lên Đồng Hới để mua thuốc cho bà con rồi tặng đậu phộng để trồng...
“Khoảng thời gian đó, mình bị tai nạn xe máy nên giờ chân vẫn còn sẹo, nhưng mình rất vui, sau này khi thu hoạch đậu phộng, bà con còn nhắn mình về chơi nữa. Nay lũ ở miền Trung, mình muốn nhắn nhủ mọi người rằng sau lũ bà con cũng rất cần hỗ trợ: về hạt giống, con giống, kinh phí sửa nhà cửa... Lâu dài, giúp bà con sống chung với lũ, như việc trồng rừng và chọn loại cây trồng phù hợp để giữ rừng là điều mà chúng ta nên hướng đến, chứ phát quà như vầy hoài vẫn không giải quyết được vấn đề gốc rễ!”, nữ hiệp sĩ thiện nguyện không khỏi tâm tư...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.