Nông dân miền Tây sống chung hạn mặn

28/04/2024 07:16 GMT+7

Trong khi hạn mặn ngày càng khắc nghiệt, khó lường thì ở nhiều nơi tại miền Tây, chính người nông dân đã tự biết cách xoay chuyển tình hình bằng những mô hình, cách làm sáng tạo… để 'sống chung'.

Những ngày cuối tháng 4.2024, cánh đồng rộng hàng trăm héc ta của xã Long Phú, H.Long Phú (Sóc Trăng) như bị sấy khô. Chạy dọc con lộ nhỏ đi sâu vào ấp Tân Lập, xã Long Phú, thuộc vùng chuyên canh lúa rộng hơn 40.000 ha của tỉnh Sóc Trăng, bất chợt hiện ra một ruộng dưa hấu, bí đỏ xanh mướt đến kỳ lạ.

Không lãng phí giọt nước nào

Chủ ruộng dưa xen canh bí là ông Nguyễn Văn Hội (58 tuổi, ngụ ấp Tân Lập, xã Long Phú, H.Long Phú). Bất kể khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt mấy tháng qua, 5 công dưa hấu, bí đỏ của ông vẫn sinh trưởng, ra hoa kết trái, chờ ngày thu hoạch. Ông Hội nói: "Bữa nay nữa là đúng 1 tháng xuống giống. Trông mấy trái nhỏ nhí vậy chớ khoảng 30 ngày nữa là cắt bán được rồi".

Bên kia con lộ nhỏ, ruộng bí đỏ của ông Hội cũng đang xanh tốt, trái to bằng cùm tay, nằm lăn lóc dưới gốc. Được hỏi về bí quyết canh tác, ông Hội nói: "Bí quyết thì mùa hạn thế này, tưới nước tiết kiệm, vừa đủ cho cây nó sống thôi. Kể cả những lúc có nước ngọt dồi dào cũng đừng có ham mà tưới nhiều, cây nó tốt mà chưa chắc đã đậu trái sai".

Nông dân xã Long Phú (H.Long Phú, Sóc Trăng) thu hoạch lúa vụ 3Ảnh: Đình Tuyển

Nông dân xã Long Phú (H.Long Phú, Sóc Trăng) thu hoạch lúa vụ 3

Đình Tuyển

Để lý giải thêm về cách làm của mình, ông Hội dẫn chúng tôi tham quan khu vực chăn nuôi bố trí cạnh đó bể trữ nước ngọt ở góc vườn. Đây chính là bể nước mang tính "phòng thủ" cả mùa hạn của ông. Nước ngọt vừa dùng nuôi lươn, vừa kết hợp với hệ thống tưới tự chế. Mỗi lần tưới, nước chảy qua các cửa van đóng, mở chủ động, rồi theo ống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Với 5 công ruộng màu, mỗi chiều tưới, ông Hội đều canh sao tốn

2 thùng phuy nước, vừa ẩm gốc cây là dừng, dường như không một giọt nước nào bị lãng phí. Cách làm đầy sáng tạo này còn giúp vợ chồng ông giải phóng được rất nhiều công sức lao động, có thêm thời gian chăm chút 2 hầm nuôi lươn với khoảng 6.000 con cùng 11 con bò nái để tăng thêm thu nhập.

Sau vụ dưa, vụ bí này, qua mùa mưa, ông Hội cho biết sẽ trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi cá rô dưới mương. Chưa kể, hai bên đường dẫn vào căn nhà nằm cuối thửa ruộng là hàng ổi ruby ruột đỏ bắt đầu cho trái, bên đối diện là một hàng cau hàng trăm cây đã cao quá đầu người cũng sẽ mang đến nguồn thu nhập kha khá trong tương lai.

"Vương quốc" cây giống Cái Mơn vượt qua hạn mặn

Cũng nhạy bén trong việc thích nghi với hạn mặn, nông dân ở H.Chợ Lách (Bến Tre), nơi được bao bọc bởi 3 con sông Tiền, Cổ Chiên và Hàm Luông, đã có nhiều cách làm hay. Năm nay, cũng như 2 đợt thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 và 2020, nước mặn đã bao trùm H.Chợ Lách từ ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Dù vậy, hàng trăm triệu sản phẩm hoa kiểng, cây giống các loại cùng 5.000 ha vườn sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, nhãn, măng cụt mang thương hiệu Cái Mơn vẫn sống khỏe nhờ vào kinh nghiệm phòng chống hạn mặn của người dân địa phương.

Hồ nước chứa gần 1.000 mét khối của gia đình ông Lê Văn Nhễ giúp hơn 100.000 cây sầu riêng giống nhẹ nhàng vượt qua hạn mặn

Hồ nước chứa gần 1.000 mét khối của gia đình ông Lê Văn Nhễ giúp hơn 100.000 cây sầu riêng giống nhẹ nhàng vượt qua hạn mặn

Bắc Bình

Ông Lê Văn Nhễ (48 tuổi, ngụ ấp Hòa An, xã Long Thới, H.Chợ Lách) nhớ lại đợt Tết Nguyên đán năm 2016, do nước mặn bất ngờ, ông tưới mà không biết nên bị thiệt hại gần 100.000 cây giống. Đến mùa khô năm 2020, ông đầu tư hơn 120 triệu đồng khoan giếng lấy nước ngầm để tưới cây thì lại bị nhiễm phèn, thiệt hại 80.000 cây giống.

"Sau 2 lần thất bại, tôi đã dành phần đất ra để làm hồ chứa nước. Vậy là năm nay hơn 100.000 cây sầu riêng của gia đình tôi an toàn, không hề hấn gì", ông Nhễ nói. 2 công đất nằm trong diện tích gần 1 ha đất vườn chuyên sản xuất cây giống của ông Nhễ giờ đây là một hồ nổi chứa nước với gần 1.000 m3 nước ngọt để dành. Chính nhờ cái hồ này mà dù mặn có kéo dài thêm thì ông Nhễ chẳng phải lo, vì nước vẫn còn đủ để tưới đến mùa mưa.

Tương tự, ông Huỳnh Văn Xưa (65 tuổi, ngụ xã Vĩnh Bình, H.Chợ Lách) thậm chí đang phải bơm nước ngọt còn dư trong các mương vườn chôm chôm ra sông để xử lý cho trái nghịch vụ. "Xứ Chợ Lách bây giờ đâu còn như xưa, cứ mùa khô là nhiễm mặn. Cho nên nông dân muốn sản xuất thì phải chủ động tìm cách thích ứng theo", ông Xưa nói và cho biết năm nay ông đã chủ động mua 2 túi nhựa chứa được 10 m3 nước ngọt để dành tưới cho cây. Đầu mùa hạn, các mương chứa nước giữa 2 hàng chôm chôm cũng được ông nạo vét để vừa hạ phèn cho đất vừa trữ thêm nước ngọt cho cây. Thậm chí, để đề phòng nước máy bị nhiễm mặn, ông Xưa mua thêm hàng chục cái lu tích trữ hơn 30 m3 nước mưa.

Ông Nguyễn Văn Hội (xã Long Phú, H.Long Phú, Sóc Trăng) thăm ruộng dưa hấu đang ra trái

Ông Nguyễn Văn Hội (xã Long Phú, H.Long Phú, Sóc Trăng) thăm ruộng dưa hấu đang ra trái

Đình Tuyển

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, cho biết trước đó, UBND H.Chợ Lách đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn mặn rất sớm. Trong đó, tuyên truyền, thực nghiệm các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất tại từng hộ dân rất được chú trọng. Nhờ đó, tính đến thời điểm này, có thể khẳng định hơn 8.000 ha cây giống, hoa kiểng, cây ăn trái… của địa phương đã được an toàn vì đủ nước tưới.

"Nói chung, chính nhờ sự chủ động của người dân và việc phản ứng kịp thời của các đơn vị quản lý, vận hành cống đập trên địa bàn đã mang lại hiệu quả cho công tác phòng chống hạn mặn ở địa phương", ông Liêm cho hay.

Ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân

Nói về giải pháp thích ứng lâu dài với hạn mặn, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái độc lập vùng Mê Kông, cho rằng quy hoạch tích hợp đã chia ĐBSCL thành 3 vùng. Trong đó, vùng lõi ngọt ở phía thượng lưu là vùng luôn luôn có nước ngọt kể cả những năm cực đoan; vùng này ưu tiên cho cây lúa, cây trái, thủy sản nước ngọt. Tiếp đến là vùng lợ với chế độ nước luân phiên, nước ngọt vào mùa mưa có thể trồng lúa, nước mặn - lợ vào mùa khô. Ở vùng này, cần chuyển đổi hệ thống canh tác sang thuận theo nước lợ - mặn vào mùa khô. Vùng sát ven biển thì phát triển hệ thống canh tác thích ứng với chế độ mặn quanh năm.

"Khi đã chuyển đổi sản xuất thuận theo mùa hạn mặn, bám theo quy hoạch thích hợp thì vấn đề còn lại là giải quyết nước sinh hoạt cho người dân. Việc này cần được tách riêng khỏi các công trình ngăn mặn phục vụ sản xuất vì nước bên trong các công trình ngăn mặn bị tù đọng, ô nhiễm không phù hợp cho sinh hoạt. Nhu cầu nước sinh hoạt cho vùng ven biển là chuyện dĩ nhiên của mỗi mùa khô, cần được ưu tiên, cần được chuẩn bị chứ không nên là sự bất ngờ mỗi mùa khô đến", ông Thiện nói.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) Trường ĐH Cần Thơ, cũng nhìn nhận việc thiếu nước ngọt, nắng nóng, xâm nhập mặn không phải là vấn đề mới của miền Tây. Nhưng trong bối cảnh BĐKH; sự suy giảm lưu lượng dòng chảy từ đầu nguồn sông Mê Kông… khô hạn và xâm nhập mặn đang ngày càng khó giải quyết hơn. Để tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho vấn đề hạn mặn là trọng trách của quy hoạch phát triển vùng, cũng như các quyết sách đầu tư. Trong đó bao gồm cả biện pháp công trình và phi công trình, với những cân nhắc hài hòa, bền vững xét trên các khía cạnh phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và ổn định xã hội.

"Mấu chốt của các giải pháp là cần phải có đủ một lượng nước ngọt tối thiểu cho các nhu cầu sử dụng cơ bản trong giai đoạn mùa khô, nhất là nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân", ông Tuấn nói.

Nhớ lại mùa khô 2015 - 2016 là năm hạn mặn khốc liệt trăm năm mới có một lần thì 8 năm sau, hạn mặn khốc liệt tương tự đã lặp lại vào năm 2020 và 2024 với chu kỳ chỉ 4 năm. Đến nay, theo ghi nhận của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), ĐBSCL có khoảng 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung tại 7 tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; 1.581 ha lúa bị ảnh hưởng; 4.642 ha cây ăn trái giảm năng suất... Trong khi đó, năm 2016, có đến hơn 210.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 405.000 ha lúa mất trắng.

Khó có thể lấy thiệt hại để minh chứng cho sự thành công, nhưng con số trên là rất đáng ghi nhận. Chính kinh nghiệm, sự chủ động trong cảnh báo, dịch chuyển lịch thời vụ, đặc biệt là những mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sáng tạo của người dân đã mang lại hiệu quả.

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn đã đạt đỉnh cao nhất của mùa khô từ ngày 10 - 13.3 và đợt xâm nhập mặn cao cuối cùng là từ ngày 23 - 27.4. Từ tháng 5 xâm nhập mặn vùng các cửa sông Cửu Long tiếp tục giảm, không còn ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đầu tháng 6.

Hạn hán đe dọa an ninh lương thực Đông Nam Á

Giới chuyên môn lo ngại rằng tình trạng nắng nóng và hạn hán ngày càng trầm trọng đang đe dọa Đông Nam Á, vùng sản xuất lúa quan trọng chiếm 26% sản lượng toàn cầu và 40% sản lượng gạo xuất khẩu, cung cấp cho nhiều nơi trong đó có châu Phi và Trung Đông. Tại Indonesia, đợt hạn năm ngoái làm gián đoạn nguồn cung và khiến giá gạo biến động thất thường. Năm nay, sản lượng gạo của Indonesia dự kiến giảm từ 31,53 triệu tấn xuống còn 30,9 triệu tấn. Chuyên gia Jongsoo Shin tại Viện Nghiên cứu gạo quốc tế (IRRI-Philippines) dự báo Indonesia sẽ phải nhập 5 triệu tấn gạo trong năm nay.

Theo tờ South China Morning Post, các nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á đã phát triển nhiều giống lúa thích ứng với tình trạng thiếu nước. IRRI đã giới thiệu giống chịu hạn Sohod Ulan ở Philippines và Sookha Dhan ở Nepal. Bên cạnh đó, các chuyên gia Indonesia đã xác định 11 giống lúa chịu hạn. "Nông dân ở Đông Nam Á cần trồng thêm kê, sắn và lúa miến, nhằm tăng cường đáng kể khả năng phục hồi và tính bền vững của ngành nông nghiệp", theo chuyên gia Mohammad tại Đại học Khon Kaen (Thái Lan). Bên cạnh đó, chuyên gia này khuyến nghị cải thiện các hệ thống cảnh báo sớm về nắng nóng cụ thể ở từng khu vực, giúp nông dân nắm bắt trước mức độ và thời gian để thích ứng.

Tại Malaysia, các chuyên gia đã phát triển nguồn dữ liệu vệ tinh và khí hậu địa phương. Được triển khai bởi Cục Khí tượng Malaysia và Cơ quan Vũ trụ Malaysia, bộ dữ liệu vệ tinh với phạm vi bao phủ rộng và thông tin chi tiết có thể đánh giá sự thay đổi nhiệt độ hoặc thậm chí mật độ che phủ của thảm thực vật, vốn là các yếu tố trọng tâm của sự thay đổi khí hậu địa phương.

Khánh An

Nông dân miền Tây sống chung hạn mặn- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.