Sân khấu phía Bắc và hướng đi mới

09/07/2009 15:31 GMT+7

Sân khấu phía Bắc sau một đợt "ngủ đông" dài đang có những chuyển động tích cực. Trong tương lai, một loạt nhà hát mới sẽ ra đời...

Sau khi Nhà hát Tuổi Trẻ có rạp diễn ở đảo hồ Thiền Quang từ 3.7.2009, đến lượt Nhà hát ca múa nhạc Trung ương sẽ có rạp mới ở nhà Khai Trí Tiến Đức bên hồ Gươm. Cuối năm nay, Nhà hát Tuổi Trẻ lại lên kế hoạch xây dựng nhà hát mới ở khu Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), chưa kể đến kế hoạch xây Trung tâm nghệ thuật biểu diễn của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, kế hoạch xây Nhà hát Thăng Long... Ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), cho biết: Xây mới rạp hát là nguyện vọng nhiều năm nay của các đoàn nghệ thuật. Nhưng cái khó là phải tìm ra được quỹ đất để xây dựng. Mật độ các nhà hát so với mật độ dân cư cũng phải tính toán sao cho hợp lý, chứ hiện nay rạp đã ít, phân bổ lại không đều. Bây giờ các khu đô thị mới chỉ tập trung xây nhà cao tầng mà không dành ra một khu đất nào để xây rạp. Bộ VH-TT-DL chắc chắn sẽ phải làm việc với thành phố, với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các cơ quan liên quan vì đây không chỉ là việc của riêng Bộ.

 
"Xây mới rạp hát là nguyện vọng nhiều năm nay của các đoàn nghệ thuật. Nhưng cái khó là phải tìm ra được quỹ đất để xây dựng. Mật độ các nhà hát so với mật độ dân cư cũng phải tính toán sao cho hợp lý" - Ông Lê Ngọc Cường

* Hiện tại, nhiều nhà hát có rạp mà không sử dụng hết công suất, tại sao Cục không gợi ý phương án sửa chữa, nâng cấp rạp cũ, thay vì đi tìm đất khác để xây mới quá tốn kém?

- Hà Nội có rạp. Nhưng Nhà hát Lớn thì không thể diễn xô bồ được. Nhà hát Lớn cũng chưa phải là sân khấu đúng nghĩa, vì không có đủ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng. Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô thì do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý, thuê được 1 đêm diễn, cũng mất mấy chục triệu đồng/buổi, còn thuê Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) thì mất 150-180 triệu đồng/buổi, doanh thu không đủ để bù tiền thuê. Gọi là "nhà hát" đúng nghĩa thì chưa đoàn nào trên địa bàn thủ đô có. Rạp của Nhà hát Tuổi Trẻ thực chất chỉ là sàn tập, rồi nhân đó mà tận dụng khai thác thêm. Rạp này nằm tít trong ngõ, khách đến xem không có chỗ gửi xe, đỗ ô tô. Rạp Hồng Hà suốt mấy chục năm cũng không có chỗ trống nào để ô tô đỗ. Ngay đến Bộ VH-TT-DL muốn làm chương trình ca nhạc ngoài trời thì cũng chỉ có địa điểm "truyền thống" là quảng trường Cách mạng tháng Tám trước cửa Nhà hát Lớn. Tiếng ồn từ các buổi tập như thế này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân, mà công an cũng phải vất vả dọn dường, dẹp đường, ảnh hưởng đến giao thông. Vì thế, không nên tư duy theo kiểu không diễn thì không xây rạp.

* Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2010 và chương trình hành động đến năm 2020. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã hướng dẫn triển khai đến đâu?

- Định hướng quy hoạch là ưu tiên gìn giữ bảo lưu nghệ thuật truyền thống, phát triển nghệ thuật có tính chất kinh điển của thế giới, như giao hưởng, opera, ballet và phát triển các đoàn nghệ thuật ở Trung ương và các thành phố lớn. Trên tinh thần đó, các địa phương phải trình dự án quy hoạch và chỉ được giữ lại bộ môn nghệ thuật nào đặc trưng của vùng miền. Một địa phương mà có tới mấy đoàn kịch, mấy đoàn cải lương thì không ổn. Quy hoạch cũng không phải là nhét tất cả vào một rọ, mà mỗi nhà hát, mỗi đơn vị nghệ thuật khi sáp nhập vẫn phải giữ được phong cách riêng. Thái Bình đã nhập đoàn ca múa nhạc và đoàn kịch vào làm một, nhưng sau khi nhập, hoạt động của cả hai đoàn còn kém hơn trước. Thái Nguyên cũng thành lập một nhà hát gồm cả chèo và ca múa nhạc, nhưng hoạt động rất khó khăn vì sự khiên cưỡng này. Cái khó hiện nay là nếu giảm bớt các đoàn thì các nghệ sĩ đã cống hiến mấy chục năm sẽ đi đâu? Chỗ này rất tế nhị, nếu làm không khéo thì dễ bị hiểu là "vắt chanh bỏ vỏ".

Trong năm 2009, Cục sẽ thành lập Ban hướng dẫn để soạn thảo quy hoạch chi tiết. Trước mắt, năm 2010, 2 trong số 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương của Bộ (Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát ca múa nhạc Trung ương) sẽ trở thành đơn vị "xã hội hóa". "Xã hội hóa" tức là Nhà nước chỉ đầu tư được một phần, còn lại là anh phải chủ động.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.