Đã sẵn sàng phương án vận hành, kinh doanh vệ tinh VINASAT-I

17/04/2008 09:34 GMT+7

Tối 16.4, lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và các đối tác Lockheed Martin, Arianespace đã có cuộc họp về khả năng sẵn sàng rời bệ phóng của vệ tinh VINASAT-I. Tại Việt Nam, phương án vận hành, khai thác, kinh doanh cũng đã cơ bản sẵn sàng.

Tất cả chờ giờ G

Thông tin mới nhất từ Trung tâm vũ trụ quốc tế của châu u tại Kourou, Guyana (Nam Mỹ), vệ tinh VINASAT-I và vệ tinh Star One C2 của Brazil đã được đưa vào phần đầu tên lửa đẩy Ariane 5. Ngay sau buổi tập phóng thành công, hôm 15.4, VNPT và đối tác đã thống nhất nhận định vệ tinh đã sẵn sàng rời bệ phóng vào 5 giờ 16 ngày 19.4.

Theo đó, khoảng 20 giờ hôm nay 17.4, cả khối tổ hợp tên lửa và vệ tinh (cao hơn 50m) sau khi vượt qua tất cả các bước đo kiểm hệ thống, sẽ được vận chuyển ra bãi phóng ngoài trời bằng một hệ thống đường ray đặc biệt. Sau đó, tên lửa sẽ được bơm đầy nhiên liệu để chuẩn bị phóng.

Hiện VNPT có 4 chuyên gia kỹ thuật đang sát cánh, phối hợp với các chuyên gia của phía đối tác để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại nói trên.

Xây thêm trạm khai thác thương mại

Phó Tổng giám đốc VNPT Nguyễn Bá Thước cho biết, để bảo đảm khai thác có hiệu quả VINASAT-I, bên cạnh 2 trạm điều khiển vệ tinh (trạm chính đặt tại Hà Tây, trạm dự phòng đặt tại Bình Dương) VNPT cũng đang hoàn tất xây dựng một trạm hoạt động thương mại có tên là NOC cùng địa điểm với trạm ở Hà Tây.

Bên cạnh đó, nhà thầu Lokheed Martin cũng đã thiết lập một trung tâm kiểm soát vệ tinh chính ở gần Hà Nội và một trung tâm tương tự để dự phòng ở gần TPHCM. Lockheed Martin sẽ hỗ trợ VNPT, cử đại diện ở lại Việt Nam trong ít nhất 6 tháng kể từ ngày phóng.

Đồng thời, Lockheed Martin cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ VNPT trong suốt thời gian 15 năm vệ tinh này hoạt động để giúp giải quyết mọi trục trặc, thắc mắc hoặc yêu cầu của khách hàng. Trung tâm chăm sóc khách hàng của Lockheed Martin sẽ hoạt động 24 giờ/ngày.

Toàn bộ đội ngũ quản lý và khai thác vệ tinh VINASAT-I sẽ có khoảng 100 người. Về nhân lực kỹ thuật, theo hợp đồng, Lookheed Martin thực hiện 7 khóa đào tạo cho phía Việt Nam (hiện đã có 2 khóa đào tạo 15 người. Các khóa còn lại sẽ được triển khai tại trung tâm điều khiển ở Việt Nam). Về nhân lực kinh doanh, VNPT cũng đã ký kết với SES ASSTRA hợp đồng đào tạo 20 cán bộ.

Từ tháng 6, VNPT sẽ chính thức cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Có 2 loại dịch vụ cơ bản được cung cấp phục vụ khách hàng là cho thuê băng tần vệ tinh (cung cấp đến trọn bộ phát đáp trên băng tần vệ tinh, hoặc thuê lẻ dung lượng) và các dịch vụ trọn gói như: kênh thuê riêng; phát hình lưu động, đào tạo từ xa, truyền hình DTH, truyền hình hội nghị, truyền dữ liệu ngân hàng, đường truyền ISP, kênh thuê riêng cho di động, điện thoại vùng sâu vùng xa...

VNPT sẽ ưu tiên sử dụng cho hệ thống quản lý, điều hành của quân đội, công an; các Đài truyền hình Trung ương, địa phương và nhu cầu của một số doanh nghiệp cần thuê kênh như Viettel, dầu khí... Ngoài ra, sẽ có thêm lượng khách hàng mới nhưng có nhu cầu đặc thù cần sử dụng vệ tinh như: hệ thống đào tạo từ xa của ngành giáo dục, truyền hình vệ tinh...

Sau khi phóng lên, VINASAT-I sẽ nằm ở quỹ đạo 132 độ Đông, cách bề mặt Trái đất 35.768 km. Dự kiến trong giai đoạn 2008-2022, VINASAT-I sẽ phục vụ 90% nhu cầu của khách hàng trong nước và 10% là khách hàng khu vực.

VINASAT-I cao khoảng 4m, nặng 2,7 tấn, gồm 20 bộ phát đáp, trong đó 8 bộ băng tần C và 12 bộ băng tần Ku (mỗi bộ phát đáp phục vụ được khoảng 500 kênh điện thoại hoặc 4-6 kênh truyền hình). Vùng phủ sóng băng Ku gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, một phần Myanmar. Vùng phủ sóng băng C gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, khu vực Đông Nam Á, phía Đông của Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc.

Lăng Tiêu - Trần Bình/Báo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.