Bánh gừng

02/04/2007 12:34 GMT+7

Bánh gừng là món ăn chơi. Loại bánh có nguồn gốc của đồng bào Khơmer đặc sắc này còn có mặt ngay cả trong những lễ lạc nhỏ, trong sinh hoạt giao tiếp quan trọng thường ngày. Khách đến nhà vừa nhai miếng bánh béo, giòn, thơm ngon, tan dần trên mặt lưỡi, nhấp ngụm trà nóng... thật là thích thú.

Không mấy cầu kỳ, rắc rối, bánh gừng đơn giản được hình thành chính yếu bằng nếp. Thông thường, để có được chiếc bánh ngon, người ta chọn loại nếp to hạt, màu trắng đục. Nếp đem vo sạch, để ráo nước, cho vào cối quết nhuyễn rồi đem sấy hoặc phơi khô.

Cứ 1 ký bột nếp, người ta trộn vào đó 30 quả trứng gà, l muỗng canh bột nang mực, một ít nước chanh tươi. Đập trứng gà cho vào vịm đã có sẵn nước cốt trái chanh và bột nang mực, đánh đều tay cho đến khi nào thấy nổi "rễ tre" thì cho bột nếp vào. Trộn hỗn hợp này lại cho đều rồi dùng tay nhồi cho tới khi có thể nắn bột thành những chiếc bánh có hình thể tương tự như củ gừng là được.

Tiếp theo, người ta thả chúng vào nồi dầu (hoặc mỡ) đang sôi. Bánh chiên vàng gắp nhúng vào vịm đường cát trắng đã thắng sền sệt, thành lớp áo mỏng bên ngoài rồi đem phơi nắng. Thế là người ta đã có những chiếc bánh gừng hấp dẫn, những người khó tính cũng đều phải khen ngon khi được thưởng thức. Nhưng, để có những chiếc bánh thẳng thớm, không bị cong vênh, người ta thường hay dùng nồi để chiên bánh thay vì chiên bằng chảo như thường làm với các loại bánh khác.

Ngoài việc để đãi khách, bánh gừng còn là một thứ trang trí góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp, kể cả sự long trọng trong những ngày lễ, tết. Trong những ngày lễ trọng đại ấy, người ta ghim những chiếc bánh gừng vào các que tre, cắm xung quanh chiếc trụ tròn bằng gỗ hay đất sét trang trí hoa văn sặc sỡ bằng giấy màu rồi đem chưng trên bàn thờ. Tùy theo cảm nhận của mỗi người, chúng ta có thể hình dung những chiếc bánh gừng đó là những chiếc gạc nai hay một nhánh san hô.

Cúc Tần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.