Không nấu ăn ngon, học quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống được không?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/02/2023 13:04 GMT+7

Học sinh đặt câu hỏi liên quan ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống trong chương trình sáng nay, 21.2 và nhận câu trả lời bất ngờ từ các thầy cô ban tư vấn.

Không nấu ăn ngon, học quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống được không? - Ảnh 1.

Nhiều học sinh quan tâm tới ngành quản trị nhà hàng, dịch vụ ăn uống

TNO

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành du lịch - dịch vụ" diễn ra sáng nay (21.2) có những thông tin hữu ích. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Tại chương trình, một học sinh tên Thanh Hùng hỏi: "Ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống có cơ hội việc làm ra sao, người học có cần nấu ăn ngon mới phù hợp công việc này không?".

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống thuộc khối ngành dịch vụ du lịch. Khi học ngành này các sinh viên được đào tạo kiến thức về văn hóa ẩm thực, xây dựng thực đơn, tổ chức yến tiệc, quản trị nhà hàng, lập chiến lược kinh doanh…

"Chúng ta có thể thấy các công việc các bạn học và làm liên quan đến công tác điều phối, tổ chức, các bạn không phải trực tiếp nấu ăn. Kỹ năng nấu nướng của bạn không ảnh hưởng gì tới ngành này. Nếu bạn có kỹ năng nấu ăn và muốn phát huy thì có thể học đầu bếp, kỹ thuật chế biến món ăn… chẳng hạn", thạc sĩ Xuân Dung nói.

Theo thạc sĩ Xuân Dung, cơ hội việc làm của ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống là rất cao. "Ngày xưa mọi người quan niệm ăn chắc mặc bền, đời sống kinh tế cao hơn là ăn ngon mặc đẹp. Việc ăn sao cho tinh tế, việc mặc thể hiện cá tính nên đòi hỏi người làm trong lĩnh vực này bài bản, chuyên nghiệp. Khi tổ chức bất kỳ tour du lịch nào đều không tách rời hoạt động ăn uống, ẩm thực được nên nhu cầu việc làm rất lớn. Bên cạnh đó, mỗi loại hình như du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm… đi theo đó là ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống đặc thù riêng, nên cơ hội việc làm cao", đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nói.

Không nấu ăn ngon, học quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống được không? - Ảnh 2.

Các chuyên gia tham dự chương trình tư vấn trong buổi sáng nay tại Báo Thanh Niên


Chủ tập đoàn phở, cà phê nổi tiếng đâu biết nấu phở hay pha cà phê!

Cùng giải đáp thắc mắc câu hỏi này, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mang đến trường quay những câu chuyện thú vị.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết chủ một tập đoàn kinh doanh phở từng chia sẻ người không biết nấu ăn thì càng kinh doanh tốt. Bởi theo tâm lý, những người biết nấu ăn giỏi, nấu ăn ngon thì lại càng "cứng đầu". Thế nhưng quản trị nhà hàng là nghề cần phải linh hoạt, chiều lòng người khác.

"Chúng ta làm dịch vụ mà, cần tâm lý tốt, tâm lý vững. Khách chê món này nấu dở mà quạu là không được. Nấu ăn ngon cũng làm được nghề này. Nhưng quản trị tốt sẽ tốt hơn, chúng ta biết các bộ phận trong nhà hàng, biết lập kế hoạch, việc gì làm trước, sau… Ông chủ một tập đoàn cà phê nổi tiếng của Mỹ còn không biết gì về nấu ăn, pha chế, nhưng biết quản trị và rất thành công", thạc sĩ Trương Quang Trị nói.

Cần nhu cầu nhân sự chất lượng cao

Đến chia sẻ trong buổi tư vấn trực tuyến hôm nay của Báo Thanh Niên, đại diện các trường cũng cho biết nhu cầu nhân sự khối ngành du lịch, dịch vụ rất lớn sau dịch Covid-19, nhất là nhân sự chất lượng cao.

Thạc sĩ Hồ Thanh Trúc, Phó trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Tài chính-Marketing, chi biết theo báo cáo năm 2022 lượng khách du lịch ở Việt Nam tăng 70%, trong nước đón 101 triệu lượt khách nội địa, ngành du lịch đang hồi phục, phát triển mạnh mẽ.

"Hàng năm nhu cầu trong ngành dịch vụ, du lịch đang cần khoảng 4.000 nhân sự, nhưng các trường đang đào tạo chỉ một nửa. Các cơ sở du lịch, nhà hàng, khách sạn cũng trao đổi với trường chúng tôi và nói mong muốn có nhiều nguồn nhân lực từ các trường, đặc biệt là nhân lực tăng cao, có ngoại ngữ, thái độ, kỹ năng giao tiếp tốt, nhà trường đang đầu tư cho đào tạo để đáp ứng nhu cầu này", thạc sĩ Hồ Thanh Trúc nói.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm Tuyết, Phó trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Hiến, cũng cho biết đang thiếu nhân lực và nhân lực chất lượng cao cho du lịch Việt Nam.

"Sự kết hợp giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp là rất cần thiết. Hàng tuần chúng tôi nhận được thông tin tuyển dụng nhân sự phục vụ cho các trung tâm hội nghị, tiệc cưới, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng… từ thực tập sinh tới người đi làm toàn thời gian", đại diện Trường ĐH Văn Hiến thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.