Không được mua bán vàng bằng tiền mặt?

10/05/2024 04:28 GMT+7

Đó là kiến nghị đang gây nhiều ý kiến trái chiều của Tổng cục Thuế với Ngân hàng Nhà nước. Đề xuất này được cho là không khả thi trong thực tế.

Tích cóp mua vàng cất trữ, đám cưới, thôi nôi sẽ khó khăn

Đầu tuần, đôi vợ chồng trẻ N.Linh (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) nhận cặp nhẫn cưới với giá gần 15 triệu đồng, cao hơn so với giá dự tính từ đầu năm đến gần 5 triệu đồng. Theo chia sẻ của N.Linh, giao dịch mua bán tại cửa hàng và thanh toán bằng tiền mặt có hóa đơn điện tử. Theo một cuộc phỏng vấn bỏ túi của người viết, hầu hết người có nhu cầu mua vàng để cho, biếu tặng hay giữ làm tài sản tiết kiệm với số lượng từ vài chỉ đến cả lượng đều thanh toán bằng tiền mặt ngay tại các cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý.

Ngành thuế kiến nghị mua bán vàng không dùng tiền mặt

Ngành thuế kiến nghị mua bán vàng không dùng tiền mặt

T.XUÂN

Chị Thanh An (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết dịp Thần tài hằng năm chị đều mua 1 chỉ vàng để cầu may mắn. "Từ xưa đến nay mình cứ ra tiệm vàng khi cần mua hay bán đều trả bằng tiền mặt. Có 1 chỉ vàng, lúc trước giá loanh quanh 4 - 5 triệu đồng, nay lên cao hơn 7,3 triệu đồng thì cũng trả tiền mặt nhanh gọn lẹ, hơi đâu mà đi chuyển khoản. Nếu như cửa hàng cho cà thẻ tín dụng thì có thể mình sử dụng, chứ chuyển khoản thì cũng khác gì trả tiền mặt đâu", chị Thanh An nói.

Không thể phủ nhận thói quen thanh toán tiền mặt vẫn còn hiện hữu trong đời sống người dân, nhất là mua bán vàng nhẫn, miếng và trang sức.

Ba đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng

Những người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt những nơi phương thức thanh toán chưa phát triển, thì việc chuyển khoản khi mua vàng tích cóp, mua dùng đám cưới, thôi nôi... sẽ trở nên khó khăn. Chính vì vậy, khi một chính sách nào được kiến nghị hay áp dụng, cần có điều tra thực tế để có thể triển khai khả thi.

Ông Huỳnh Trung Khánh (Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN)

Thế nhưng mới đây, Tổng cục Thuế đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này. Trước đó, khi góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đã đưa ra đề xuất hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, dẫn thông tin từ Tổng cục Thuế, toàn quốc có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc; và sử dụng trên 1 triệu hóa đơn điện tử. Điều này cho thấy hầu hết các đơn vị kinh doanh đã xuất hóa đơn, còn việc khai thuế là nghiệp vụ của cán bộ thuế.

"Người tiêu dùng khi mua hàng nên lấy hóa đơn, nhưng bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng thì tôi không đồng tình; bởi nếu đồng ý thì đây là lần đầu tiên áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đối với một ngành nghề, lĩnh vực", ông Khánh bày tỏ và cho rằng cần có cuộc khảo sát thực tế là những giao dịch mua bán vàng thời gian qua có bao nhiêu phần trăm thực hiện thanh toán qua ngân hàng, chuyển khoản, quẹt thẻ, sử dụng ví điện tử, quét mã QR… Nếu kết quả cho ra 90% thanh toán không dùng tiền mặt thì quy định này sẽ không ảnh hưởng. Trường hợp tỷ lệ này là 50/50 thanh toán chuyển khoản và tiền mặt thì cần có lộ trình.

"Những người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt những nơi phương thức thanh toán chưa phát triển, thì việc chuyển khoản khi mua vàng tích cóp, mua dùng đám cưới, thôi nôi… sẽ trở nên khó khăn. Chính vì vậy, khi một chính sách nào được kiến nghị hay áp dụng, cần có điều tra thực tế để có thể triển khai khả thi", ông Huỳnh Trung Khánh nhấn mạnh.

Làm khó doanh nghiệp và người dân?

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, nói thẳng: Việc bắt buộc chuyển khoản trong thanh toán khi mua vàng là làm khó doanh nghiệp và người dân. Vì thế, việc này chỉ nên khuyến khích chứ không nên bắt buộc. Thực tế hiện nay, không có ngành nghề nào bắt buộc thanh toán phải chuyển khoản.

"Nhiều người lâu nay đi mua vàng bằng tiền mặt, giá trị có khi vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng một mặt hàng trang sức mỹ nghệ. Nhất là những người lớn tuổi có nhu cầu mua vàng tích cóp nhỏ lẻ từng đợt, vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Một số người còn không có tài khoản ngân hàng hay thẻ... Quy định này sẽ làm khó họ. Còn đối với doanh nghiệp, họ sẽ lúng túng vì chưa trang bị những thiết bị chấp nhận thẻ, cũng phải đối diện với nguy cơ người tiêu dùng phản ứng vì trước đó vẫn nhận thanh toán bằng tiền mặt", ông Nguyễn Văn Dưng phân tích và nhấn mạnh: "Để áp dụng được việc thanh toán mua bán vàng không dùng tiền mặt, cần có tổ chức, hướng dẫn, lộ trình thực hiện. Hơn nữa, việc thanh toán này dựa trên tinh thần tự nguyện, thấy được tiện ích chứ không nên bắt buộc đôi bên thực hiện".

Nhận định đề xuất thanh toán không tiền mặt trong giao dịch kinh doanh vàng sẽ gia tăng tính minh bạch cho thị trường, nhưng PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, thừa nhận nếu quy định này được ban hành thì không mang tính khả thi trong thực tế và cũng không liên quan đến việc quản lý thị trường vàng theo như thông điệp gần đây của Thủ tướng Chính phủ. Việc xuất hóa đơn điện tử thì tất cả doanh nghiệp đã thực hiện và đây là điều bắt buộc, kinh doanh vàng cũng không ngoại lệ. Trong khi đó, hình thức thanh toán bằng tiền mặt hay không tiền mặt vẫn là sự lựa chọn của người dân chứ không phải là quy định cấm một phương tiện nào, vì không phải ai cũng có tài khoản. Nếu bắt buộc sẽ bất tiện cho người dân, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu mua vàng của người dân là bình thường.

"Nhiều người chỉ đủ tiền để mua 5 phân, 1 chỉ; những người ở các vùng sâu, vùng xa hay người lớn tuổi thường không có tài khoản ngân hàng, không biết đến các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt... Vì vậy, cấm thanh toán bằng tiền mặt là không thực tế, làm khó người dân", ông Ngô Trí Long nói và lập luận, hiện tại trong nhiều sinh hoạt hằng ngày, người dân VN vẫn còn sử dụng tiền mặt, từ việc đi chợ đến các giao dịch lớn hơn, thậm chí cả mua bán nhà. Do đó, việc cấm sử dụng tiền mặt trong mua bán vàng là điều không thể, đi ngược với nhiều quy định khác.

Thay vì đó, các cơ quan quản lý nên tính đến phương án khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch vàng, tương tự như khuyến khích trong toàn bộ hoạt động của nền kinh tế nói chung. Hoặc giả sử trước hết xem xét, nghiên cứu để đưa ra một quy định như chỉ áp dụng khi giao dịch từ 1 lượng vàng miếng trở lên thì cần thực hiện chuyển khoản, sẽ khả thi và phù hợp hơn.

Vàng miếng SJC tăng 2 triệu đồng/lượng lên gần 90 triệu đồng

Ngày 9.5, giá vàng miếng SJC tăng 2 triệu đồng/lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC đã tăng thêm giá vàng miếng SJC lên 87,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào, bán ra 89,5 triệu đồng/lượng. Công ty Phú Quý mua vào lên 87 triệu đồng, bán ra 89,3 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 87,2 triệu đồng, bán ra 89,3 triệu đồng/lượng…

So với đầu tháng, giá vàng miếng SJC tăng 5,5 triệu đồng/lượng. Tốc độ tăng giá của vàng trong nước nhanh, trong khi giá thế giới giảm nhẹ 6 USD/ounce, xuống còn 2.308 USD/ounce khiến cho mức đắt đỏ gia tăng. Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới lên 18,5 triệu đồng/lượng thay vì 17,5 triệu đồng/lượng trước đó. Lực mua vàng trên thị trường gia tăng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.