Không để tát giá theo xăng, lương

14/08/2023 06:29 GMT+7

Giá xăng dầu, một số thực phẩm thiết yếu tăng khiến đời sống người lao động thêm khó. Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất lúc này là phải kiểm soát, không để xảy ra tình trạng "tát giá" theo lương, theo xăng...

Gạo, rau, quả đều tăng

Chị Nguyễn Ngọc An, nhân viên văn phòng ở Q.1 (TP.HCM), dạo này phải khổ sở cân đối thu chi sau khi công ty thông báo giảm thu nhập do doanh thu giảm. Trong khi đó, giá hàng hóa gần đây tăng đáng kể. Đi chợ hằng ngày nên chị An có thể kể tên từng mặt hàng tăng giá. Đầu tiên là gạo, nếu so với đầu năm đã tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Không để tát giá theo xăng, lương - Ảnh 1.

Giá tăng, thu nhập giảm khiến đời sống người lao động thêm chật vật

NHẬT THỊNH

Tăng mạnh nhất là các loại thịt; trong đó, thịt heo từ 140.000 - 160.000 đồng/kg; còn đùi, cánh gà công nghiệp 110.000 - 120.000 đồng/kg. "Trước kia, thịt tăng thì mình hay ăn trứng cho rẻ tiền nhưng giá trứng giờ cũng tăng 2.000 - 3.000 đồng/chục.

Hơn một tháng qua, giá rau các loại cũng tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại. Xoay qua trở lại hướng nào cũng gặp giá tăng. Giờ mấy đứa nhỏ chuẩn bị nhập học, đến quần áo sách vở, học phí tăng… Tiền tích lũy từ khi dịch đến nay cũng đã mang ra sử dụng gần hết, sắp tới chưa biết tính sao", chị An lo lắng.

Khảo sát của PV Thanh Niên tại thị trường TP.HCM cho thấy giá gạo tăng đã kéo theo giá nhiều mặt hàng như bún, hủ tiếu, bánh phở, bánh canh. Thậm chí bánh tráng cũng tăng giá khoảng 3.000 đồng/kg. Giá trứng các loại bình quân tăng khoảng 2.000 đồng so với tháng trước do nguồn cung hạn chế vì một lượng lớn trứng vịt được sử dụng làm bánh trung thu. Giá rau các loại bình quân tăng 30% do suốt tháng 7 mưa lớn liên tục khiến sản lượng giảm. Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn uống cũng bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán hoặc giảm chất lượng sản phẩm. Tại các trang trại, giá gà lông màu tăng 3.000 - 5.000 đồng lên mức 51.000 - 52.000 đồng/kg. Giá gà lông trắng tăng 6.000 - 7.000 đồng/kg lên mức 35.000 - 39.000 đồng/kg. Giá trứng gà các tỉnh miền Nam tăng 100 đồng lên 2.100 - 2.300 đồng/quả…

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, thừa nhận một số tiểu thương tăng giá hàng hóa, bởi giá cả các mặt hàng ở chợ phụ thuộc số lượng hàng họ chuẩn bị trong ngày và phụ thuộc khách hàng mua sắm vào từng thời điểm. Vì vậy để kìm giá cả hàng hóa không tăng theo lương, ngay từ những tháng đầu năm 2023, TP đã triển khai hàng loạt hoạt động bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ðiều này góp phần ngăn chặn "làn sóng" tăng giá khi lương tăng và làm vơi bớt phần nào nỗi lo cho người dân.

Bún, phở tăng theo giá gạo: Nhiều chủ quán 'nhấp nhổm' vì phải cầm cự giữ giá

Không để tát giá theo xăng, lương - Ảnh 2.

Để giải quyết tình trạng lạm phát và mất cân đối thu nhập hiện nay, cần triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch; thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tăng tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới VN - Trung Quốc. Kịp thời triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện để ổn định và phát triển kinh tế địa phương, tạo thêm nhiều việc làm mới, hạn chế thất nghiệp, ổn định thu nhập cho người dân...Theo Tổng cục Thống kê

Đẩy mạnh đầu tư công và tiêu dùng trong nước

Tuy nhiên, những giải pháp nói trên có lẽ chỉ phần nào bình ổn giá một phân khúc nhất định. Trao đổi với Thanh Niên chiều 13.8, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), trăn trở: "Trong bối cảnh hiện nay thì giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm tăng là do yếu tố khách quan, bị tác động từ việc tăng giá của thế giới. Đây là tình huống bất khả kháng và giải pháp khả dĩ nhất hiện nay là tăng nguồn cung để cân đối. Cụ thể như đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo năng lượng và điện cho sản xuất, tiêu dùng trong mùa cao điểm nắng nóng…".

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhận xét: Dù hiện tại đang khó khăn nhưng chúng ta cũng có thể thấy là mọi thứ đang tốt dần lên. Thứ nhất, Chính phủ đưa ra các giải pháp thúc đẩy kinh tế với mục tiêu GDP cả năm 2023 tăng 6,3 - 6,7% thông qua đẩy mạnh đầu tư công. Nếu các hoạt động này được làm ngay và làm mạnh trong tháng 8 - 9 này và làm hiệu quả đến 95 - 98% trong giai đoạn từ nay đến cuối năm thì GDP có thể tăng đến 6,4 - 6,8%. Lúc đó, vòng lan tỏa thứ 2, thứ 3 sẽ tác động rất tốt lên toàn bộ nền kinh tế. Khi đó, cùng với giá dịch vụ y tế, giáo dục có tăng thì CPI có thể ở mức 3,3 - 3,8% cũng nằm trong tính toán nên không quá lo.

Thứ hai, về xuất nhập khẩu; nếu so với cùng kỳ năm trước thì tăng trưởng vẫn chưa hồi phục vì tỷ lệ giảm đang thu hẹp dần. Tuy nhiên nếu xét theo tháng liền kề trước đó thì cơ bản chúng ta vẫn đang tăng. Theo thông lệ hằng năm thì các tháng cuối năm là mùa cao điểm và với đà khởi sắc như hiện nay chúng ta có thể hy vọng sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm để ít nhất sẽ cán đích ở mức bằng như năm 2022 hoặc cao hơn một chút. Hiện nay, các doanh nghiệp và chính quyền cũng tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. 

Bên cạnh đó, chúng ta thấy thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và giải ngân nguồn vốn này cũng đang tăng cũng là một điểm cộng cho nền kinh tế. Ngoài ra, thay cho việc giảm lao động như những tháng trước thì gần đây nhiều nhà máy, xí nghiệp tăng cường tuyển lao động. Cụ thể như tại Bắc Giang, các khu công nghiệp tuyên bố tuyển khẩn cấp hơn 10.000 lao động. Ai đi làm được ngay trong tháng 8 được thưởng thêm 500.000 đồng. Tình hình cũng tương tự tại Bình Dương.

Thứ ba, chúng ta thấy trong tháng 6, chỉ số tiêu dùng trong nước là 6,5% giảm đến 1/3 so với các tháng đầu năm. Đây là vấn đề đáng báo động. Tuy nhiên, tháng 7 đã tăng lại trên 7% nhờ các doanh nghiệp đẩy mạnh kích cầu thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá. Để giải quyết bài toán này, Chính phủ tiếp tục giảm thuế VAT. Điều này làm cho giá cả hàng hóa rẻ hơn. Bên cạnh đó là việc tăng lương cơ sở giúp người lao động cải thiện thu nhập.

Giá dịch vụ ăn uống chỉ tăng, không giảm

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết TP đã triển khai chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 được tổ chức trong 3 tháng, kéo dài đến hết ngày 15.9.2023. Chương trình có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp, hơn 7.000 hoạt động khuyến mại. Trong đó, các nhà bán lẻ triển khai hàng loạt chương trình giảm giá dành cho nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là sản phẩm lương thực, thực phẩm; nhằm hỗ trợ, san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.