Làm vườn quốc tế

03/12/2013 03:00 GMT+7

Có một khu vườn ở P.Long Phước, Q.9, TP.HCM quy tụ rất nhiều bạn trẻ đến từ những nước khác nhau. Họ cùng cuốc đất, trồng cây, gieo hy vọng về tương lai trên mảnh đất này.

 Diệt cỏ dại trong khu vườn - Ảnh: Như Lịch
Diệt cỏ dại trong khu vườn - Ảnh: Như Lịch

Thích cầm cuốc hơn máy tính

Sáng sớm một ngày cuối tuần của tháng 11, Prerna Nair - cô gái Ấn Độ 26 tuổi - đạp xe vượt hơn 20 km từ nhà trọ đến mảnh vườn ở Q.9. Khu đất này rộng 6.000 m2 và nằm sát một nhánh sông Đồng Nai, do nhóm Green Youth Collective (Làm vườn đô thị) thuê để xây dựng Trung tâm giáo dục sống bền vững - dự án phi lợi nhuận, điểm thực hành trồng những sản phẩm xanh và bền vững trên những mái nhà, vườn thẳng đứng và hình hộp.

 

Nếu không có sự kết nối với thiên nhiên, đám trẻ chỉ biết dành thời gian rảnh để chơi game, xem tivi, rồi trở nên béo phì, lười biếng. Hy vọng đây sẽ là một trong những nơi các em đến nạp năng lượng cuộc sống từ thiên nhiên

Steven Wiig - người Canada,
Trưởng nhóm thiết kế ý tưởng Làm nông bền vững của dự án trên

“Tôi rất đam mê với việc làm vườn, dù rằng mẹ tôi muốn con gái mình trở thành bác sĩ. Thực sự, đôi khi làm việc với  chiếc máy tính, tôi cảm thấy buồn chán. Thế nhưng, khi dùng đôi tay cầm cuốc, làm những việc nhà nông thì tôi cảm thấy tràn trề sức sống”, Prerna hào hứng nói. Cô gái này từng tham gia những dự án Làm nông bền vững tại Thái Lan, Nepal, Ấn Độ trước khi đến Việt Nam vào đầu tháng 10.2013. Công việc còn ngổn ngang nên hầu như vào cuối tuần, Prerna cùng một số cộng sự làm việc miệt mài và ngủ lại đêm trong khu vườn, bất chấp nước ngập và những đám muỗi đói luôn “canh me”.

Steven Wiig (người Canada, Trưởng nhóm thiết kế ý tưởng Làm nông bền vững của dự án trên) cho biết dự kiến vào tháng 8.2014, các hạng mục cơ bản của trung tâm sẽ hoàn thành. Lúc đó, khách tham quan có dịp chiêm ngưỡng những vườn treo và thùng trồng rau. Đặc biệt, những lớp học giữa thiên nhiên sẽ mở ra để dạy ngoại ngữ miễn phí cũng như nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho thanh thiếu niên ở cộng đồng. Steven chia sẻ: “Chúng tôi phải phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên bất lợi như khí hậu thay đổi, ngập lụt…, song ai cũng đều cố gắng. Tôi nhận thấy nếu không có sự kết nối với thiên nhiên, đám trẻ chỉ biết dành thời gian rảnh để chơi game, xem tivi, rồi trở nên béo phì, lười biếng. Hy vọng đây sẽ là một trong những nơi các em đến nạp năng lượng cuộc sống từ thiên nhiên”.

Ngoài Steven và Prerna là những nhân viên, dự án này đã và đang thu hút gần 50 tình nguyện viên Việt Nam cùng nhiều nước khác, như: Nhật Bản, Pháp, Phần Lan, Mỹ, Tây Ban Nha… Trong đó, không ít người chỉ mới biết nhau qua mạng xã hội. Thế nhưng, nói như một cô gái nước ngoài, khu vườn này đã trở thành nơi gắn kết những “công dân toàn cầu” như họ.

Cha, con làm tình nguyện

12 giờ trưa. Hai cha con chú Nguyễn Văn Thắm (54 tuổi, ngụ ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và Nguyễn Ngọc Thuận vẫn đang hý hoáy sửa lại căn nhà bếp trong khu vườn. Chú Thắm muốn nói với Steven rằng, liệu chú có thể hạ thấp mái hiên xuống một chút để cho nước dễ thoát hơn không? Chú cũng muốn nói rằng, sau này chú có thể cắt tranh để lợp mái nhà và kêu gọi thêm nhiều bạn trẻ khác cùng tham gia? Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ, chú ngắc ngứ không biết làm sao cho “đối tượng” hiểu trúng ý mình. Thật may, có một cô gái Việt biết tiếng Anh đi đến...

Chú Thắm cho hay chú đến với dự án này đã mấy tháng nay, qua lời “rủ rê” của con trai đầu là Nguyễn Ngọc Thành (sinh viên Khoa ngữ văn Anh, Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, một trong bốn sáng lập viên nhóm Green Youth Collective). Với kinh nghiệm làm nông trước đây, chú Thắm luôn có những đóng góp thầm lặng (không nhận thù lao) cho khu vườn, nhất là trong những công việc hậu cần. Gần đây, chú còn chẻ tre, đan phên và giới thiệu về cây tre Việt Nam cho những nhóm sinh viên nước ngoài đến tham quan.

“Còn nhiều điều mới mẻ, nên chú chưa hình dung hết về dự án này. Dù vậy, điều chú cảm nhận là nó rất hay và hữu ích cho nhiều người!”, chú Thắm nhận xét. Đến lượt mình, chú đã thuyết phục con trai út là Nguyễn Ngọc Thuận (sinh viên năm nhất Trường ĐH Quốc tế TP.HCM) tham gia. Thuận bày tỏ, ban đầu Thuận rất ngại giao tiếp vì nghĩ mình không rành tiếng Anh. Ấy thế mà, chỉ qua vài lần tiếp xúc với người nước ngoài, Thuận thấy tự tin hẳn lên. Chàng trai trẻ này so sánh: “Ở nhà, em rất ít vận động. Đi học về là nằm, hoặc chơi, coi phim. Còn ở đây, em vừa có môi trường vận động thể lực vừa rèn luyện ngoại ngữ miễn phí”.

Suy nghĩ như Thuận là khá phổ biến trong số những người tình nguyện đến đây làm vườn. Bứt mình khỏi chăn êm, nệm ấm và các thú vui cũ kỹ để hòa mình vào thiên nhiên, học hỏi những điều mới lạ, tại sao lại không chứ ?

Khi viết bài này, chúng tôi nhận được thông tin: Nhóm Green Youth Collective đang phải đi tìm mảnh đất mới để thực hiện dự án tâm huyết trên bởi chủ đất hiện tại có ý định lấy lại khu vườn. Thông tin chi tiết về nhóm này xin liên hệ: 01222650038 (gặp anh Được).

Như Lịch

>> Tình nguyện viên Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam
>> Tình nguyện viên Việt Nam - Canada về thủ đô viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Tuyển tình nguyện viên SSEAYP
>> Tình nguyện viên du lịch
>> Tuyển tình nguyện viên cho Festival di sản 2013
>> Làm vườn giúp giảm nguy cơ bệnh tật
>> Sống khỏe nhờ làm vườn
>> Muốn nhớ lâu, hãy làm vườn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.