Những phát hiện khoa học ấn tượng năm 2013 (Phần 2)

27/12/2013 02:35 GMT+7

Năm 2013 đánh dấu sự xuất hiện của các thiết bị điện tử cấy được, cũng như củng cố thêm hy vọng về khả năng chế tạo những cơ quan nội tạng thay thế.

>> Những phát hiện khoa học ấn tượng năm 2013 (Phần 1)

Tranh cãi về thuốc trừ sâu

 


Ảnh: Flickr

Trong vài năm gần đây, những cuộc tranh cãi về neonicotinoid, loại thuốc trừ sâu được dùng phổ biến trên thế giới, chủ yếu tập trung vào tình trạng ong mật chết hàng loạt tại châu u và Mỹ. Các nhà nghiên cứu ít lưu ý về ảnh hưởng của loại hóa chất trên đối với các động vật. Tuy nhiên, đến nay mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi. Trong năm 2013, giới khoa học thách thức quan niệm vốn cho rằng neonicotinoid hầu như vô hại đối với các loài có xương sống, bao gồm con người. Các báo cáo cho thấy có sự liên hệ giữa hàm lượng neonicotinoid trong nước tại Hà Lan với tình trạng sụt giảm số lượng côn trùng sinh sống trong sông suối và loài giáp xác.

Cơ quan nội tạng từ tế bào gốc

 
Ảnh: Madeline A. Lancaster

Năm nay các nhà khoa học công bố một số bước tiến quan trọng trong lĩnh vực tạo ra các cơ quan chức năng từ tế bào gốc. Họ đã giới thiệu bộ não mini được làm từ tế bào gốc, và những tế bào này được tái lập trình từ tế bào da người. Bằng cách cung cấp môi trường hóa chất thích hợp, các chuyên gia châu u đã biến đổi tế bào gốc thành tế bào thần kinh và sắp xếp chúng thành các cấu trúc khác nhau. Nhìn bề ngoài, cơ quan này mang những đặc điểm giải phẫu học của một bộ não đang phát triển của bào thai. Dựa trên não mini, các nhà khoa học nghiên cứu các rối loạn về não bộ xuất hiện trong quá trình tượng hình, chẳng hạn như tình trạng đầu teo.

Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia Nhật Bản nuôi mô gan người từ tế bào da đã được tái lập trình, còn một số nhóm khác đưa tin về tiến triển trong lĩnh vực phát triển tế bào thận.

Thiết bị điện tử cấy được

 
Ảnh: University of Illinois/Beckman Institute

Trong lúc thiết bị điện tử đeo được vẫn còn ở giai đoạn manh nha, năm 2013 là thời điểm trình làng của những thiết bị điện tử hoạt động trong cơ thể người. Các nhà khoa học chế tạo mạch điện tự phân hủy có thể một ngày sẽ được dùng để tiêu diệt vi khuẩn, hỗ trợ vết thương mau lành và phân rã ngay khi hoàn thành nhiệm vụ. Họ cũng phát minh các hình xăm điện tử co giãn và gắn đủ loại cảm biến; thiết bị làm từ hạt vàng để đo và thao túng não bộ. Có thể thấy viễn cảnh người-máy đang tiến gần thêm một bước đến hiện thực.

Vật chất tối vẫn bí ẩn

 
Ảnh: luxdarkmatter

2013 quả là một năm rối rắm đối với các chuyên gia nghiên cứu vật chất tối. Vào tháng 4, một cuộc thí nghiệm quan trọng tên AMS trên Trạm Không gian Quốc tế đã bắt được dấu hiệu cho thấy có sự hiện diện của những hạt vật chất tối ở trung tâm Dải Ngân hà. Tuy nhiên, đến tháng 10, một cuộc thí nghiệm khác trên LUX đưa ra kết quả phủ nhận phát hiện trên. Và cho đến tháng 12, lại có báo cáo cho thấy đã bắt được tín hiệu của vật chất tối. Rõ ràng con đường truy tìm loại vật chất bí ẩn này vẫn còn nhiều khó khăn.

Nỗi sợ di truyền từ cha

Một cuộc nghiên cứu vào cuối năm cho thấy chuột cha có thể chuyển những trải nghiệm sợ hãi cho đời con hoặc thậm chí đời cháu. Có thể nói khám phá mới trong lĩnh vực di truyền đã làm dấy lên tranh cãi về cơ chế của quá trình này. Các chuyên gia cho rằng những thay đổi về biểu sinh có thể khiến ký ức đáng sợ vẫn tiếp tục kéo dài dai dẳng qua các thế hệ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa xác định được tại sao những thay đổi này có thể truyền từ não bộ, nơi ký ức hình thành, đến trứng và tế bào.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.