Nhật Bản tìm kiếm hậu thuẫn từ ASEAN để đối phó Trung Quốc?

12/12/2013 13:10 GMT+7

(TNO) Các nhà quan sát nhận định, Tokyo đang tìm kiếm sự hậu thuẫn của ASEAN liên quan vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cũng như vùng nhận dạng phòng không của Bắc Kinh.

(TNO) Nhật Bản vào cuối tuần này sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN. Các nhà quan sát nhận định, Tokyo đang tìm kiếm sự hậu thuẫn của ASEAN liên quan vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cũng như vùng nhận dạng phòng không của Bắc Kinh.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe dự kiến sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), AFP ngày 12.12 dẫn lời các nhà quan sát nhận định.

Ông Abe được cho là đặt kỳ vọng các quốc gia ASEAN sẽ cùng Nhật Bản bày tỏ quan điểm và gửi thông điệp chính trị về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và vùng nhận dạng phòng không của Bắc Kinh.

“Thật quan trọng khi Nhật Bản và ASEAN cùng nhau thể hiện thông điệp chính trị về tự do hàng không và vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc”, AFP dẫn lời ông Ichiro Fujisaki, giáo sư Đại học Sophia (Nhật Bản) - cựu Đại sứ Nhật tại Mỹ - cho biết.

Cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt này được tổ chức vào dịp Nhật Bản kỷ niệm 40 thiết lập quan hệ với ASEAN.

Nhưng cuộc họp thượng đỉnh cũng diễn ra vào thời điểm căng thẳng khu vực leo thang sau khi Trung Quốc vào hôm 23.11 đơn phương tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, chồng lấn lên vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc và Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo tranh chấp Nhật-Trung Senkaku/Điếu Ngư.

Bắc Kinh còn yêu cầu các hãng hàng không phải thông báo lịch trình bay khi đi qua vùng nhận dạng phòng không, nếu không sẽ phải đối mặt với “những biện pháp phòng vệ khẩn cấp”.

Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đều lên tiếng phản đối và gửi máy báy quân sự qua vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc mà không phải thông báo. Vấn đề này cũng là tâm điểm của chuyến công du Đông Bắc Á hồi tuần rồi của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Các nhà quan sát cho rằng sau vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh có thể lên kế hoạch thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.

Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông. Bắc Kinh còn ngang ngược tuyên bố chủ quyền với cái gọi là "đường lưỡi bò" bao trùm toàn bộ biển đông, AFP cho hay.

Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN dự kiến sẽ ra một tuyên bố chung về “tầm nhìn” dài hạn về quan hệ hợp tác Nhật Bản-ASEAN trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế, theo AFP.

Bản dự thảo tuyên bố chung này cho rằng Nhật Bản và ASEAN tin rằng việc Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không, xâm phạm quyền tự do hàng không có thể gây ra mối đe dọa an ninh khu vực, hãng tin Kyodo dẫn lời một nguồn tin ngoại giao giấu tên tiết lộ.

Thủ tướng Abe đã đến thăm 10 quốc gia thành viên ASEAN, bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi ông đắc cử chức thủ tướng vào tháng 12.2012.

Tờ China Daily hồi 18.11 dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng những chuyến thăm của ông Abe, thủ tướng Nhật, đến tất cả các nước ASEAN là một phần trong chiến lược ngoại giao nhằm cô lập Trung Quốc, tăng cường sự ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực, đồng thời mở rộng cơ hội đầu tư và kinh doanh cho doanh nghiệp Nhật tại thị trường ASEAN.

Phúc Duy

>> Nhật Bản tăng cường hợp tác với ASEAN nhằm chống Trung Quốc?
>> Philippines lo ngại Trung Quốc lập vùng phòng không ở biển Đông
>> Nhật tăng tối đa sức mạnh quân sự nhằm đối phó Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.