Hiệp ước 400 năm mà ông Putin đề cập trong quan hệ với Ukraine là gì?

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
19/05/2024 10:30 GMT+7

Hiệp ước liên minh do những dân tộc tiền thân của Nga và Ukraine ký kết cách đây gần 400 năm đã đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ hai nước.

Vào hôm 30.4, Ukraine đã cho tháo dỡ hoàn toàn bức tượng tại khu tưởng niệm ở Kyiv. Bức tượng này miêu tả về buổi ký kết hiệp ước Pereiaslav vào thế kỷ 17, sự kiện lịch sử vẫn được Nga và Ukraine nhắc đến ngày nay nhưng theo hai cách truyền tải đối lập.

Vào tháng 1.1654, tại thành phố Pereiaslav (Ukraine ngày nay), người Cossack Zaporizhzhia và người Muscovy - tiền thân của hai dân tộc Ukraine và Nga hiện nay - đã ký hiệp ước bảo trợ quân sự, khi người Zaporizhzhia cam kết trung thành với Muscovy để đổi lấy hỗ trợ chống lại Khối thịnh vượng Ba Lan - Lithuania.

Bức tượng tại Kyiv, Ukraine miêu tả hiệp ước Pereiaslav bị tháo dỡ ngày 30.4

Bức tượng tại Kyiv, Ukraine miêu tả hiệp ước Pereiaslav bị tháo dỡ ngày 30.4

Chụp màn hình Kyiv Independent/Global Images Ukraine

Trong khi lịch sử Liên Xô và Nga coi sự kiện này là "sự thống nhất của nước Nga" và là bằng chứng về mối quan hệ lâu dài giữa nhân dân Ukraine và Nga, nhà sử học Ukraine Serhii Plokhy (từ Đại học Harvard, Mỹ) có quan điểm khác, khi coi đây là dấu mốc bắt đầu tiến trình phức tạp trong quan hệ Nga - Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng đề cập đến hiệp ước Pereiaslav trong một bài báo năm 2021, vài tháng trước khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, theo Kyiv Independent.

Chuyện gì đã xảy ra?

Nga và Ukraine đều từng chung gốc gác là dân tộc Kyiv Rus. Đến thế kỷ 13, nhà nước Kyiv Rus suy yếu và bị chia tách sau khi quân Mông Cổ xâm lược. Lịch sử Nga và Ukraine từ đây cũng có sự phân nhánh.

Lịch sử Muscovy (tên gọi khác của Công quốc Moscow thế kỷ 13 - 16 và Nước Nga Sa hoàng thế kỷ 16 - 18) hầu như tách biệt khỏi diễn biến tại châu Âu thời trung cổ, trong khi phần lớn lãnh thổ Ukraine ngày nay gắn liền với Khối thịnh vượng Ba Lan - Lithuania. Điều này dẫn đến những khác biệt về ngôn ngữ, chính trị, tôn giáo và kiến trúc.

Dưới sự cai trị hà khắc của người Ba Lan, người Cossack - với phần đông theo Chính thống giáo và mang truyền thống quân sự - đã lãnh đạo nhiều cuộc nổi dậy chống lại các quy tắc Công giáo.

Tiêu biểu nhất là cuộc nổi dậy của quân đoàn Cossack vùng Zaporizhzhia vào năm 1648, dưới sự lãnh đạo của ông Hetman Khmelnytsky. Dù đạt được những thành công ban đầu, nhà lãnh đạo ý thức được không thể tự thân chống lại quân Ba Lan quá lâu mà phải cần đồng minh.

Tổng thống Putin: Nga đang tạo ‘vùng đệm’ quanh Kharkiv

Hành trình tái hợp

Ban đầu, quân đoàn Cossack Zaporizhzhia liên minh với người Tatar ở Crimea, song phải hủy bỏ, do các vị vua ở Crimea muốn kéo dài xung đột để kiếm lợi từ chiến tranh thay vì một bên chiến thắng. Lời đề nghị của ông Khmelnytsky đến đế chế Ottoman cũng không hiệu quả. Cuối cùng, lựa chọn “thực tế” nhất là dựa vào Sa hoàng Muscovy Alexei Mikhailovich, bởi lẽ cả hai nhà nước đều từng cùng một dân tộc và đều theo Chính thống giáo.

Tranh khắc họa người Cossack Zaporizhzhia

Tranh khắc họa người Cossack Zaporizhzhia

Chụp màn hình Kyiv Independent/Heritage Images

Khi triệu tập hội đồng để thảo luận hướng đi tiếp theo của người Zaporizhzhia, phần đông đã ủng hộ theo sa hoàng, với nhân tố quan trọng là tương đồng tôn giáo, khi các cuộc xung đột vào thế kỷ 17 phần lớn mang màu sắc tôn giáo.

Ý tưởng về một liên minh giữa Muscovy và người Zaporizhzhia đã được nhen nhóm từ năm 1648. 5 năm sau, quốc hội Nước Nga Sa hoàng khi đó (Zemsky Sobor) đã phê chuẩn kết nạp và bảo trợ lực lượng này, đồng thời phát động cuộc chiến với Ba Lan - Lithuania kéo dài 13 năm, dù trước đó hai bên đã có hòa ước.

Phái đoàn Muscovy do nhà quý tộc Vasiliy Buturin dẫn đầu đã đến Pereiaslav vào ngày 18.1.1954 để thảo luận về hiệp ước. Lãnh đạo Zaporizhzhia Khmelnytsky đã bất ngờ khi ông Buturin không thảo luận về các điều khoản và không tuyên thệ sẽ giữ đúng cam kết của sa hoàng. Song, liên minh này đã giành những thắng lợi quân sự, trong khi Muscovy giữ lời hứa công nhận một số đặc quyền cho người Zaporizhzhia, điều mà vua Ba Lan đã từ chối.

Sau chiến thắng trước Ba Lan, người Zaporizhzhia và Muscovy bắt đầu xuất hiện những bất đồng kéo dài, dẫn đến kết quả là Cossack Zaporizhzhia bị giải thể vào năm 1764.

Tranh cãi kéo dài đến ngày nay

Trong tài liệu bàn về hiệp ước Pereiaslav được công bố năm 1954 (được lưu trữ trên website Đại học Chicago, Mỹ) của nhà sử học Oleksandr Ohloblyn - người từng giữ chức Thị trưởng Kyiv trong thế chiến 2 - ông viết rằng có hai luồng quan điểm chính trong giới học giả khi đánh giá thỏa thuận này.

Ông cho biết nhóm đầu tiên, phần lớn là các học giả Nga, ủng hộ lý thuyết Ukraine đã được sáp nhập vào Muscovy vào thế kỷ 17 với tư cách là một khối thống nhất. Ở chiều ngược lại, các học giả Ukraine coi hiệp ước Pereiaslav là một liên minh quân sự giữa hai quốc gia độc lập và có chủ quyền, dưới hình thức nước chư hầu và nước bảo trợ. Đây là khái niệm phổ biến trong quan hệ quốc tế những thế kỷ trước, và người Cossack Zaporizhzhia có thể bị giới hạn về cách sử dụng tước hiệu hay phải cống nạp cho Muscovy, còn lại có chức năng và hoạt động như một nhà nước độc lập và tách biệt, theo ông Ohloblyn.

Hiệp ước 400 năm mà ông Putin đề cập trong quan hệ với Ukraine là gì?- Ảnh 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi phỏng vấn tại Moscow tháng 2.2024

AFP

Trong một bài báo có tựa đề “Về sự thống nhất lịch sử giữa người Nga và người Ukraine” của Tổng thống Putin, được công bố năm 2021, ông đã viện dẫn sự kiện ký hiệp ước Pereiaslav. “Khi được hỏi về quan hệ Nga - Ukraine, tôi nói rằng người Nga và người Ukraine là một dân tộc - một thể duy nhất”, ông viết.

Trước đây, các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng từng tổ chức những lễ kỷ niệm ngày ký hiệp ước Pereiaslav. Đáng chú ý là vào năm 1982, giới chức Liên Xô đã khánh thành đài tưởng niệm “Cổng hữu nghị các dân tộc” ở Kyiv. Công trình này bao gồm bức tượng mô tả những thành viên tại sự kiện Pereiaslav 1654, điêu khắc trang phục lịch sử của người Nga và người Cossack.

Bức tượng đã ở đó trong hơn 40 năm, cho đến khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, khi này một số phần tại công trình đã bị dỡ bỏ. Đến ngày 30.4, Bộ Văn hóa Ukraine đã hoàn tất tháo dỡ toàn bộ bức tượng, được giới quan sát coi là thông điệp của Kyiv khi Moscow liên tục đề cập đến khái niệm “hai dân tộc thống nhất” mà họ coi là trên tinh thần từ hiệp ước Pereiaslav.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.