Du lịch trong điểm nóng biểu tình

12/02/2014 03:00 GMT+7

Người Thái làm du lịch rất giỏi, ngay cả khi tình hình chính trị ở đất nước này đang trong đỉnh điểm căng thẳng: người biểu tình “Shut down” - đóng cửa Bangkok, nhưng du khách vẫn tấp nập.

 Du khách nước ngoài “tham quan” khu vực biểu tình ở Bangkok - Ảnh: Bạch Dương
Du khách nước ngoài “tham quan” khu vực biểu tình ở Bangkok - Ảnh: Bạch Dương

Bạn tôi, Lawrence, một thầy giáo người Mỹ dạy tiếng Anh ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) nhân đợt nghỉ lễ dài ngày trong dịp Tết Nguyên đán đã xách ba lô đi 4 nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan. Gặp nhau ở TP.HCM, tôi nói với Lawrence rằng mình đã hủy vé đi Thái vì tình hình biểu tình tại Bangkok diễn biến quá phức tạp. Súng đã nổ và người đã chết. Lawrence lại khẳng định chẳng sao và vẫn giữ lịch trình đến Thái sau khi tham quan Lào. Tôi thầm nhủ, đúng là dân du lịch bụi đủ liều lĩnh để tới những nơi nguy hiểm nhất. Với tôi, tốt hơn nên ở nhà vì không quên cảnh người biểu tình áo đỏ chặn đường đến sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok) năm 2010, khiến du khách quốc tế một phen chao đảo do không có đường về.

Từ Khaosan, phố Tây ba lô nổi tiếng ở Bangkok, giống phố Tây Phạm Ngũ Lão ở TP.HCM, Lawrence gửi cho tôi rất nhiều hình ảnh chụp cảnh biểu tình đông nghẹt người ngay sau ngày kết thúc bầu cử 2.2 ở Thái Lan. Anh hồ hởi cho biết đã trải nghiệm không khí biểu tình, chụp ảnh chung với người biểu tình, mua đồ lưu niệm trong khu biểu tình...

Những lời trấn an của Lawrence khiến tôi an tâm lên đường. Để tránh kẹt xe do người biểu tình “đóng cửa” thủ đô ở các giao lộ lớn, tôi đi tàu điện từ sân bay Suvarnabhumi về trung tâm Bangkok. Khoảng cách từ sân bay về Silom nơi tôi ở khoảng 30 km. Vừa bước ra khỏi ga Silom để về khách sạn Novotel cách đó chừng 1 km, cảnh tượng nhộn nhịp diễn ra ngay trước mắt. Phía dưới đường tàu điện trên cao (sky train) rợp bóng mát, hàng trăm người biểu tình đã dựng lều, lập sân khấu đàn hát nhảy múa như ở một hội chợ. Đây là khu vực trung tâm quận Silom, ngay giao lộ của nhiều con đường lớn. Người biểu tình đã lấy bao tải cát hoặc lốp xe chặn hết các cung đường vào khu vực này để không cho xe ô tô hay tuk tuk vào, chỉ có người đi bộ và xe gắn máy.

Người biểu tình dường như đã quen với cảnh được du khách chụp hình nên không đoái hoài gì. Tôi còn tiến sát tới sân khấu để chụp ca sĩ và nhóm người đang nhảy múa theo nhạc. Khi tôi hỏi đường về khách sạn Novotel Silom liền có một bảo vệ khu biểu tình tiến tới tận tình chỉ đường và kêu xe ôm chở tôi đi. Suốt một đoạn dài đường Silom đã được chặn, bên trong vẫn tấp nập người mua kẻ bán vì trên đường không còn lưu thông xe ô tô. Hai bên đường người ta bán quần áo, hàng ăn, có cả sạp bán thời trang in các dòng chữ biểu tình như Shut down Bangkok - Restart Thailand (Đóng cửa Bangkok, khôi phục lại Thái Lan)... Ngay ngã tư là một dãy ghế mát xa chân bày ra ngoài trời để phục vụ người biểu tình hoặc du khách có nhu cầu. Ở khu vực biểu tình, có rất nhiều em nhỏ đem máy tính bảng ra ngồi chơi game hoặc học bài, trong khi ba mẹ thì trải chiếu nằm, ngồi dưới lòng đường.

Khu Silom, điểm ăn chơi nổi tiếng nhất Bangkok, dường như chẳng chịu chút ảnh hưởng gì của dòng người biểu tình dù đây là một trong số trung tâm nóng bỏng nhất của lực lượng này. Các con hẻm nổi tiếng ở Silom vẫn chong đèn đỏ lên đón khách. Dòng người ra vào tấp nập. Các quán bar, sàn nhảy vẫn mở cửa. Những tuyến phố chính của Bangkok bị người biểu tình ngăn lại ở các giao lộ trung tâm và các tuyến đường như Pathumwan, Ratchaprasong, Silom (công viên Lumpini), Latphrao, Asoke và vòng xoay Tượng đài Chiến thắng; khu làm việc của chính phủ trên đường Chaeng Wattana, cầu Phan Fa trên đại lộ Ratchadamnoen và cầu Chamai Maruchet trên đường Phitsanulok… Ở những nơi này, không khí chẳng khác gì lễ hội âm nhạc.

Khi tôi trả phòng khách sạn, nhân viên Novotel Silom khuyến cáo khách nên ra sân bay bằng tàu, còn đi bằng taxi phải có khoảng thời gian 4 tiếng trước giờ bay nhằm tránh kẹt đường. Khách sạn còn điều xe để đưa miễn phí từng đoàn khách ra ga tàu gần nhất. Người dân Bangkok trong thời điểm này đều ân cần, chu đáo hơn đối với du khách như là cách bù đắp lại cho họ đã có những phút lo lắng trước khi đến nước này.

Dù vậy, Tổng cục Du lịch Thái Lan vẫn khuyến cáo du khách nên tránh khu vực biểu tình để đảm bảo an toàn cá nhân, đồng thời nhấn mạnh rằng du khách không phải là đối tượng nhắm đến của người biểu tình. Các điểm tham quan tại thủ đô bao gồm chùa Phật Ngọc, cung điện Hoàng gia, ngôi đền Bình Minh, chợ cuối tuần Chatuchak... vẫn mở cửa đón khách.

Nguyễn Trần Tâm

>> Ngành du lịch Thái lo ngại
>> Tham vọng của ngành du lịch Thái
>> Du lịch Thái Lan cùng TST

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.