Đưa công nghệ về làng

27/11/2015 08:56 GMT+7

Hai sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã đưa máy sấy bánh tráng tận dụng nhiệt thải từ lò tráng bánh về với người dân làng bánh tráng Đại Lộc (Quảng Nam).

Hai sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã đưa máy sấy bánh tráng tận dụng nhiệt thải từ lò tráng bánh về với người dân làng bánh tráng Đại Lộc (Quảng Nam).

Hà (phải) và Phượng bên sản phẩm của mình - Ảnh: An Dy
Hà (phải) và Phượng bên sản phẩm của mình - Ảnh: An Dy
Hai bạn Nguyễn Thị Hà (quê Quảng Trị) và Đào Thị Phượng (quê Hà Tĩnh), đều là sinh viên Khoa Công nghệ Nhiệt - Điện lạnh (Trường ĐH Bách khoa). Sản phẩm máy sấy bánh tráng của 2 cô gái đã đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học công nghệ cấp trường và đạt giải Ứng dụng - giải thưởng cao nhất của cuộc thi Holcim Prize 2015.
Tận dụng nhiệt từ lò nướng để sấy bánh
Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Holcim VN cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án khi chia sẻ: “Các bạn trẻ đã thể hiện được năng lực bản thân, đồng thời đóng góp cho người dân địa phương một mô hình tận dụng nhiệt thải ưu việt để cải thiện năng suất, đảm bảo chất lượng bánh, nâng cao điều kiện an toàn lao động khi làm việc”.
Những ngày lang thang thực tế cùng bạn bè ở các xã thuộc H.Đại Lộc, thấy bà con làng nghề bánh tráng ngồi bó gối, tắt bếp ngưng sản xuất vì những ngày mưa kéo dài do không thể phơi bánh, nhóm bạn trẻ nghĩ mình phải làm “cái gì đó” giúp bà con.
Sau nhiều tháng miệt mài “Máy sấy bánh” tận dụng nhiệt thải từ lò tráng bánh cũng đã thành hình.
“Trong khi thiếu ánh nắng để hong khô bánh, thì chính những người tráng bánh lại chịu một lượng nhiệt không nhỏ phả ra từ lò tráng. Chúng tôi tận dụng lượng nhiệt này, tính toán gia nhiệt, chế tạo công cụ để gia nhiệt và ổn định nhiệt tập trung vào một bộ phận lò sấy để bánh mau khô”, Nguyễn Thị Hà cho biết.
Để biến ý tưởng thành hiện thực, 2 cô gái chân yếu tay mềm không quản ngại cắt đi cắt lại từng tấm thép, tẩn mẩn tỉ mỉ với từng mối hàn, bắt vít liên kết, bọc cách nhiệt, đặt dụng cụ đo nhiệt… và hơn cả là đốt nhiệt, thử độ ổn định của lò sấy. Cuối cùng, chiếc máy sấy bánh với nhiều bộ phận hợp thành như gia nhiệt, quạt hút nhiệt, buồng sấy, giàn ống trao đổi nhiệt… cũng hoàn thành.
“Ưu điểm của máy này là giảm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết trong sản xuất, tiết kiệm chi phí cho nhiên liệu như than, củi, mùn cưa, tiết giảm nhân công, đảm bảo yêu cầu vệ sinh so với phơi phóng ngoài môi trường, đảm bảo tiêu chí chất lượng để đưa vào các siêu thị, đầu ra ổn định hơn”, Đào Thị Phượng tự tin cho biết.
Cũng theo các cô gái thì khi sử dụng máy, hiệu quả sấy khô sẽ cao hơn do nhiệt độ luôn ổn định từ 60-80 độ, thời gian bánh khô được rút ngắn, ước tính mất khoảng 20 phút để sấy khô 1 mẻ bánh hàng chục vĩ. Chi phí đầu tư ban đầu cho máy khoảng 20 triệu, trong khi nếu phương pháp sấy thủ công thì mất khoảng tầm 4 - 5 triệu đồng/tháng cho nhiên liệu và nhân công. Nếu được đầu tư sản xuất hàng loạt thì giá thành sẽ thấp hơn.
“Ra mắt” bà con làng nghề
Vượt qua gần 250 ý tưởng sáng tạo để đạt giải Ứng dụng Holcim Prize 2015, máy sấy bánh tráng của các cô gái đảm bảo 3 tiêu chí: phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, xây dựng bền vững.
Chính vì vậy, ngay khi “ra mắt” bà con làng nghề bánh tráng Đại Lộc, máy sấy bánh nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía bà con.
Từ đầu tháng 11.2015, máy sấy bánh tráng của các cô gái chính thức được hỗ trợ triển khai thực hiện tại H.Đại Lộc với kinh phí 200 triệu đồng từ Holcim VN. Và hộ ông Trương Hạnh, thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp được chọn thí điểm dự án.
Phượng cho biết, sau buổi “ra mắt” nhóm sẽ nghiên cứu, tính toán lại hiệu suất hoạt động thực tế, năng suất phù hợp với quy mô sản xuất tầm 50-70 kg bột gạo mỗi ngày của một hộ sản xuất trung bình.
“Chúng tôi sẽ mất khoảng 3 tháng để tính toán bộ gia nhiệt, buồng sấy, chế tạo… để cho ra đời một chiếc máy tương tự, nhưng công suất sẽ cao hơn, đáp ứng yêu cầu sản xuất của bà con làng nghề”, Phượng tự tin nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.