Dự báo dân số Việt Nam giảm còn 72 triệu người vào năm 2100

Liên Châu
Liên Châu
10/11/2023 14:34 GMT+7

23 quốc gia sẽ chứng kiến dân số giảm hơn một nửa vào năm 2100. Trong đó, dân số Việt Nam sẽ tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100.

Hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp" đã được Hội Phụ sản Việt Nam phối hợp với Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức hôm nay 10.11, tại Hà Nội.

Theo Cục Dân số, Việt Nam đang duy trì mức sinh thay thế, song có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, đồng thời tỷ lệ vô sinh cao, ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số trong tương lai.

Dự báo dân số Việt Nam giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100 - Ảnh 1.

Dự báo dân số Việt Nam tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào 2100, nếu không có các giải pháp can thiệp nâng mức sinh

NGỌC THẮNG

Tỷ suất sinh của nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã giảm mạnh trong 70 năm qua. Điều này đã có tác động không chỉ đến quy mô dân số của các quốc gia này, mà còn ảnh hưởng đến cơ cấu dân số. 

Hiện, Hàn Quốc có tổng tỷ suất sinh (TFR) thấp nhất thế giới, ở mức 0,8, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1.

Singapore và Nhật Bản ở mức 1,1 và 1,3. Với mức sinh giảm, tuổi thọ tăng, người cao tuổi (trên 60 tuổi) trong khu vực dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2010 - 2050.

Dự báo dân số Việt Nam giảm còn 72 triệu người vào năm 2100

Tại Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, tỷ suất sinh đã đạt mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) có 2,1 con.

Tuy nhiên, mức sinh lại chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành, đặc biệt là xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, mức sinh của khu vực thành thị, toàn bộ các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó, một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp, chỉ ở 1,48 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Ngoài ra, ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7% các cặp vợ chồng. Trong số hiếm muộn, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng, đến 15 - 20% sau mỗi năm, và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

 Đề xuất chính sách khuyến khích sinh con

Theo các chuyên gia về dân số, mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời, tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Tại hội thảo, TS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, đã thông tin về Fertility Counts - dự án toàn cầu với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, khu vực tư nhân và khu vực công, xem xét các tác động về kinh tế và xã hội của mức sinh đang suy giảm và đưa ra các giải pháp. 

Dự án đề xuất các chính sách ngăn đà giảm sinh mà các quốc gia nên xem xét thực hiện, như chăm sóc trẻ em, nơi làm việc, ưu đãi tài chính, hỗ trợ sinh sản.

Theo ông Đức, một nghiên cứu quốc tế công bố năm 2020 dự báo, 23 quốc gia sẽ chứng kiến dân số giảm hơn một nửa vào 2100. Trong đó, dân số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100, nếu không có các giải pháp can thiệp nâng mức sinh.

Các thập kỷ qua, mức giảm sinh tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, từ 6,5 con/phụ nữ (trong những năm 1960) xuống còn 2,05 vào năm 2020 và duy trì mức sinh này cho đến nay.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 10.11

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.