Đừng tự làm khó bản thân

14/06/2014 03:20 GMT+7

Nhiều bạn trẻ tự đặt cho mình quá nhiều mục tiêu, công việc mà không hề biết chính điều ấy lại tự làm khó cho bản thân.

 Chuyên viên tâm lý Nguyễn Ngọc Duy dạy kỹ năng quản lý thời gian và công việc hiệu quả cho sinh viên - Ảnh: NVCC
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Ngọc Duy dạy kỹ năng quản lý thời gian và công việc hiệu quả
cho sinh viên - Ảnh: NVCC

Tự mua dây buộc mình

Vì đang sinh hoạt trong 4 CLB kỹ năng nên Kiều Liên, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) cho biết thường xuyên rơi vào tình trạng kín lịch với: học, họp CLB, tham gia các sự kiện, viết kịch bản các chương trình… “Lúc nào cũng đầy ắp công việc. Chỉ muốn được nghỉ ngơi”, rất nhiều lần cô than thở trên Facebook. Nhưng cũng chính Liên thừa nhận “cũng vì tham công tiếc việc quá nên mới ra nông nỗi này”.

Đây chỉ là một trong không ít trường hợp chỉ vì ôm đồm nhiều việc khiến những hoạt động bình thường của chủ nhân như: ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, có thời gian đi chơi vào mỗi cuối tuần… không thể thực hiện. Đối với họ, những điều ấy “giống như giấc mơ xa xỉ”, Thanh Tùng, 26 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ví von.

Khi được hỏi tại sao phải ôm đồm khi bản thân có thể quyết định giảm bớt công việc, Tùng lắc đầu “không thể lý giải nổi”. Còn Hoàng Quyên, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.7, TP.HCM) thì nói: “Chẳng biết nữa, là thói quen, giống như tự mua dây buộc mình vậy, gỡ ra chẳng được”.

Đáng chú ý, những trường hợp này đều có chia sẻ chung, họ luôn cảm thấy việc mới không bao giờ hết, tính khí cũng trở nên thất thường hơn, hay cáu gắt.

Thanh Tùng kể thêm lúc nhìn lại thấy dù làm nhiều công việc “nhưng chẳng đâu vào đâu, làm nhiều thứ mà thứ gì cũng… dở”. Chưa kể vì lao vào công việc đã mất đi nhiều mối quan hệ, bạn bè.

Để “ra gió không bị cảm”

Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Ngọc Duy tham vấn tại Trường THCS,  THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ (TP.HCM) thì câu chuyện nhiều bạn trẻ ôm đồm công việc, dẫn đến mất cân bằng trong cuộc sống là có thật và ngày càng phổ biến. Ông Duy kể trong quá trình tham vấn cho học sinh cũng như giảng dạy cho sinh viên tại các trường ĐH, ông thường xuyên bắt gặp, tiếp xúc với những trường hợp này. Nào là “em đuối như trái chuối vì công việc nhiều quá”, hoặc than thở “chắc em sắp điên vì núi bài vở rồi”, hoặc la làng lên “bị sách vở và công việc đè chết rồi”.

Ông Duy phân tích nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do đặc điểm tâm lý tuổi trẻ là thích thể hiện, khẳng định cái tôi cá nhân, thích xông xáo, bầu nhiệt huyết đang căng đầy nên họ có xu hướng tham gia vào nhiều hoạt động với nhiều công việc khác nhau nhưng sau đó lại "kham" không nổi dẫn đến quá tải; mâu thuẫn với năng lực của bản thân xuất hiện và làm cho các bạn trẻ dễ bị stress. Ngoài ra việc thiếu kỹ năng quản lý công việc và sử dụng thời gian hiệu quả, khiến khó xử lý nhiều công việc cùng một lúc cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng.

Bạn Hoài Phú, học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.10, TP.HCM) thắc mắc: ôm đồm công việc là tốt hay không tốt, và có nên không? Bạn Phú đưa ra nhiều dẫn chứng cho rằng không ít người trẻ năng động, cùng lúc đảm trách nhiều chức vụ khác nhau, nhưng đều hoàn thành xuất sắc.

Giải đáp băn khoăn đó, ông Duy cho rằng việc đặt yêu cầu cao cho bản thân về số lượng công việc cũng có mặt tốt. Đó là giúp giới trẻ cố gắng, rèn luyện để phát triển bản thân, đặc biệt về ý chí. Tuy nhiên nếu không kiểm soát được sẽ gây tác dụng ngược, tạo ra những áp lực, căng thẳng không đáng có trong cuộc sống. Thậm chí một số trường hợp vì đặt ra mục tiêu quá cao, công việc quá lớn và khi không hoàn thành được thì rơi vào trạng thái tự ti, trầm cảm, mặc cảm với xã hội.

Được biết, nhiều trường ĐH nắm bắt được thực trạng này đã thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện, mời các chuyên gia tâm lý hướng dẫn kỹ năng quản lý công việc và sử dụng thời gian hiệu quả cho sinh viên.

“Phải hiểu rõ về chính mình, nhắm được sức mình tới đâu, mạnh cỡ nào để có "ra gió cũng không bị cảm". Chỉ cần xác định mục tiêu và lượng công việc khó hơn sức mình một chút là được. Ngoài ra phải rèn luyện cho mình kỹ năng quản lý công việc và quản lý thời gian. Hãy để smartphone trở nên thông minh thực sự với việc nhắc nhở lịch làm việc, học tập hằng ngày chứ không chỉ đơn thuần là nghe nhạc, chơi game hay lướt net. Ngoài ra, việc phân loại công việc theo mức độ quan trọng và hành động theo quy tắc "việc nặng làm trước, việc nhẹ làm sau" cũng là biện pháp hữu hiệu giúp giải quyết công việc hiệu quả hơn”, ông Duy hướng dẫn.

BÌNH LUẬN

 Lê Trần Công Minh “Đừng ôm đồm nhiều việc, vì chắc chắn sẽ bị stress cũng như khiến hiệu quả công việc không tốt”.

Lê Trần Công Minh
(lớp 11A5, Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM)

“Ôm đồm công việc là tự làm hại bản thân. Đừng để bản thân phải hối tiếc vì thói quen này”.

Trần Nguyễn Nhật Linh
(lớp 11, Trường TH thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM)

 Trần Nguyễn Nhật Linh
 Nguyễn Lê Nhật Trâm “Việc ôm đồm là cách đúng hay không thì còn tùy vào mỗi người. Cần biết lượng sức mình, biết thế mạnh thế yếu của bản thân mà chọn công việc và đôi khi cũng nên học cách nói “không” với những thứ vượt quá tầm của bản thân để tránh kết quả không mong muốn”.

Nguyễn Lê Nhật Trâm
(lớp 11 Anh 1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Vũng Tàu)

N.H - T.A
(ghi)

Nhật Hạ - Trâm Anh

>> Ảo tưởng về bản thân
>> Đôi bạn thân khác thường
>> Bán thân
>> Tạo sự khác biệt cho bản thân
>> Dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân
>> Sống sao cho chuẩn ? - Kỳ 2: Xây dựng hình ảnh bản thân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.