Đề xuất áp dụng trần giá vé máy bay linh hoạt theo chi phí đầu vào

17/05/2024 13:47 GMT+7

Đó là đề xuất của ông Trương Việt Cường - Phó tổng giám đốc Bamboo Airways tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (17.5),

Vé tăng nhưng còn thấp hơn giá trần rất nhiều

Nhắc lại thắc mắc của nhiều người "giá vé máy bay có thật sự tăng không?", ông Cường thừa nhận, có tăng nhưng so với giá trần mà Chính phủ quy định thì không hề vượt, thậm chí còn dưới mức giá trần rất nhiều.

Nguyên nhân tăng, theo ông Trương Việt Cường, đầu tiên là chi phí thuê máy bay tăng. Chi phí này chiếm từ 55 - 60% tổng chi phí cấu thành giá vé tùy từng giai đoạn và tùy hãng hàng không. "Không may chi phí đấy luôn theo xu hướng bất lợi đối với các hãng hàng không trong giai đoạn gần đây là tất cả các các yếu tố đó đều tăng rất cao, thậm chí tăng 50 - 90%. Ví dụ, mới khoảng vài tháng trước thôi chúng tôi muốn thuê một tàu bay (thuê ướt) dưới 3.000 USD/giờ nhưng hiện kiếm một tàu bay với giá 4.000 USD/giờ rất khó. Thuê khô còn khó khăn hơn. Đấy là yếu tố mà chúng ta không thể tác động để kiểm soát được", ông Cường dẫn chứng.

Theo ông Trương Việt Cường, quan trọng nhất cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào chứ không nên cứng nhắc

Theo ông Trương Việt Cường, quan trọng nhất cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào chứ không nên cứng nhắc

NHẬT THỊNH


Nhóm thứ 2 là chi phí theo quy định của Nhà nước bao gồm thuế phí và các loại chi phí cho chuyến bay, cả thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế VAT... Các loại thuế phí này, các hãng hàng không cứ đóng thế thôi chứ không có chuyện tăng giảm. Do đó ở nhóm nguyên nhân này thì sự hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng.

"Tiếp đó là chi phí bảo dưỡng tàu bay, chi phí lao động. Phải nói rằng, lao động trong ngành hàng không là đối tượng bị tổn thương nặng nề từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra cho đến nay. Chúng tôi đang phải giảm đến 70% quỹ lương dành cho nhân viên, cán bộ. Nhưng cho dù các hãng hàng không có giảm lương, hay không trả lương thì cũng không giải quyết được vấn đề. Trước đây, Bamboo Airways để chiếm lĩnh thị trường đã mở ra rất nhiều đường bay, nhiều chuyến bay, nhưng đến nay chúng tôi phải thu hẹp lại, mỗi đường bay đều phải tính toán rất kỹ, phải có lợi nhuận mới dám bay. Thậm chí, các dịch vụ mặt đất chúng tôi cũng phải tự làm, không thuê nữa, vừa để tiết kiệm chi phí vừa tận dụng nguồn lao động dôi dư", ông Cường phân tích. 

Trước đây, Bamboo Airways để chiếm lĩnh thị trường đã mở ra rất nhiều đường bay, nhiều chuyến bay, nhưng đến hôm nay chúng tôi phải thu hẹp lại, mỗi đường bay đều phải tính toán rất kỹ, phải có lợi nhuận mới dám bay. Thậm chí, các dịch vụ mặt đất chúng tôi cũng phải tự làm, không thuê nữa, vừa để tiết kiệm chi phí vừa tận dụng nguồn lao động dôi dư. 

Ông Trương Việt Cường, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways

Giảm thuế, phí; tăng chính sách hỗ trợ mới hạ nhiệt được giá vé máy bay

Vậy làm sao để có được giá vé máy bay hợp lý? Theo ông Trương Việt Cường, quan trọng nhất cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào chứ không nên cứng nhắc. "Quy định giá trần hiện nay không phụ thuộc vào giá dầu, giá máy bay như thế nào thì theo tôi còn có một chút bất cập. Ngoài ra, trước đây là Chính phủ đã có chính sách giảm 50% phí điều hành bay, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội có điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Giải pháp để có giá vé máy bay rẻ khi bay đêm cũng cần có sự hỗ trợ về thuế phí. Chứ như hiện nay, bay đêm chỉ thấp hơn bay ngày vài trăm ngàn đồng thì chẳng ai bay", ông Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra theo ông Cường, các địa phương có nguồn thu lớn từ du lịch cũng nên có chính sách hỗ trợ cho du khách. "Đơn cử như chuyến bay đến Côn Đảo, nếu có sự chia sẻ của địa phương thì có lẽ chúng tôi đã không phải ngừng chuyến bay này. Thực tế, dù giá vé rất cao nhưng Bamboo Airways bay không có lãi vì chi phí quá lớn. Các địa phương có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ chi phí trực tiếp cho du khách, cho hành khách mua vé máy bay", ông Cường đề xuất.

Cũng theo ông Cường, một trong những giải pháp quan trọng khác là quy trình điều hành ở cảng. Máy bay ngày càng hiện đại, công nghệ ngày càng cao, vận tốc bay nhanh hơn nhưng thực tế hiện nay thời gian bay lại không thể rút ngắn. Một số hãng hàng không phải bay chờ, hạ tầng sân bay cũng như mật độ khai thác quá cao ảnh hưởng rất lớn thời gian bay của các hãng. Nếu thời gian được rút ngắn thì các hãng hàng không có thể khai thác nhiều hơn, tăng doanh thu cao hơn, từ đó chi phí giảm xuống, hàng không cũng đỡ khó khăn hơn.

"Về phía các chuyên gia và cơ quan truyền thông cũng cần có sự nghiên cứu thấu đáo, chia sẻ thông tin thật chính xác, giá vé máy bay của Việt Nam có thực sự cao hơn giá vé các nước hay không? Thực tế có từng thời điểm giá vé bay từ nước ngoài rẻ hơn nhưng nhìn tổng thể thì mức giá kích cầu, khuyến mãi này không đại diện cho toàn bộ cả năm", ông Cường đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.