'Chữa bệnh thừa tiền' cho ngân hàng

08/09/2023 06:31 GMT+7

Hôm qua (7.9), Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

"Kho" tiền gửi ở các ngân hàng tăng cao

Tại cuộc họp, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú ví von hiện nay toàn hệ thống ngân hàng (NH) đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp (DN) bị tồn kho hàng hóa, các NH thương mại cũng đang tồn kho tiền. NHNN cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm thúc đẩy kết nối NH với DN để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông…

'Chữa bệnh thừa tiền' cho ngân hàng  - Ảnh 1.

Các ngân hàng đang thừa tiền khi tăng trưởng tín dụng thấp

NGỌC THẮNG

Nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi DN không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". Đây là vấn đề rất khó!

Báo cáo cụ thể của NHNN cho biết đến ngày 29.8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng gần gấp đôi với mức 9,87%. Hiện còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỉ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do đó, NHNN khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống NH.

Trên thực tế, căn bệnh "thừa tiền" của các NH đã được đề cập đến từ lâu. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 của một số NH, tiền gửi từ khách hàng và lượng tiền mặt cùng các khoản tương đương tiền đến hết tháng 6.2023 tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) trong 6 tháng đầu năm nay đã huy động hơn 1,326 triệu tỉ đồng, tăng thêm trên 83.385 tỉ đồng so với cuối năm 2022. Đến cuối tháng 6.2023, Vietcombank còn lượng tiền và các khoản tương đương tiền 325.546 tỉ đồng, nhiều hơn cùng kỳ năm trước trên 46.000 tỉ đồng.

Tương tự, NH TMCP Công thương VN (VietinBank) thu hút được 1,310 triệu tỉ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 60.872 tỉ đồng so với cuối năm vừa qua. Đến cuối tháng 6, NH còn tiền và các khoản tương đương tiền 246.219 tỉ đồng, nhiều hơn cùng kỳ năm trước là 59.572 tỉ đồng. Hay tiền gửi tại NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 501.583 tỉ đồng, tăng 46.843 tỉ đồng so với cuối năm 2022; tiền gửi và các khoản tương đương tiền cuối kỳ là 61.981 tỉ đồng, tăng 22.440 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái…

Thị trường tắc thì không lĩnh vực nào thông được

Tại cuộc họp, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, DN, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống NH.

Từ tổng thể chung của nền kinh tế, cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất), cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa. NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.

Tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị NHNN và các bộ, cơ quan phát huy tinh thần cầu thị, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp để chủ động có giải pháp tháo gỡ ngay theo thẩm quyền và quy định. NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, DN. Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa; thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Phó thủ tướng đề nghị NHNN rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, lắng nghe và tiếp thu các kiến nghị hợp lý, tháo gỡ được gì thì phải tính toán, có giải pháp điều chỉnh kịp thời. Đối với những gói hỗ trợ tín dụng đang còn hiệu lực thì tiếp tục cố gắng thúc đẩy, giải ngân tối đa có thể…

Bên cạnh đó, cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực DN tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh...

PGS-TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh vấn đề khó nhất đối với DN hiện nay là vấn đề thị trường. Cho nên phải mở được các thị trường cho DN, bởi thị trường tắc thì không lĩnh vực nào thông được. Đối với việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường, phải có những giải pháp khác thường. Đây cũng là cơ hội để các NH can đảm, tiếp cận DN bằng xu hướng, tiềm năng tương lai… Ví dụ hỗ trợ tín dụng DN phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo. Đồng thời trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ"…

"Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế. Nhưng khó mới cần phải làm", ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc giải quyết những vấn đề trước mắt, lúc này cũng phải "bàn chuyện dài hạn", tính toán xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể "kéo 100 triệu dân đi lên" trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nghĩa cho rằng đây là khu vực có khả năng lan tỏa, trước mắt cần tập trung phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước cần có những chính sách để DN "thích thú với nhà ở xã hội" theo hướng Nhà nước làm chính sách, NH cho vay vốn, DN chỉ lo xây và bán nhà… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.