Thế giới yêu đương ở Trung Đông - Kỳ 2: Thân phận đàn bà

14/02/2014 09:00 GMT+7

Ở vùng đất này, phụ nữ luôn là 'con mồi' dễ bị tấn công nhất từ những gã đàn ông.

Ở vùng đất này, phụ nữ luôn là “con mồi” dễ bị tấn công nhất từ những gã đàn ông.

“Chả lẽ đàn ông không tiến hóa ?”


Những bộ trang phục khêu gợi bày bán công khai cạnh thánh đường Hồi giáo ở Cairo (Ai Cập) - Ảnh: N.P.M 

Từ sau cuộc nói chuyện với Hani, tôi không bao giờ nhe răng cười bừa bãi với mọi người xung quanh nữa. Một chiếc áo hở vai, một khuôn mặt không đội khăn trùm hijab, một thái độ thân thiện, một lời chào hỏi quan tâm đều có thể bị coi là “tín hiệu”. Phụ nữ châu u sang Trung Đông ăn bận thoải mái, thái độ thân thiện hẳn là khiến cho “hệ thống radar” của đàn ông nơi đây loạn lên, và phụ nữ Tây hẳn nhiên bị coi là dễ dãi. Những bộ phim Mỹ để lại ấn tượng con gái đàn bà Tây ai cũng ngủ lang. Một gã thậm chí thành thật than phiền rằng cô bạn mình không hề giống người Mỹ bình thường chút nào, bằng chứng là cô ta từ chối hôn vì đã có bạn trai ở nhà.

Tôi luôn phải khốn khổ giải thích cho họ rằng sự dễ dãi của trai gái phương Tây hầu hết tập trung vào khoảng thời gian họ còn tự do, chưa có ràng buộc. Trong thời gian cửa sổ này, trao nhau một nụ hôn hay một cuộc làm tình là điều không đến nỗi quá khắt khe. Tuy nhiên, một khi mối quan hệ chính thức được xác lập thì tỷ lệ phản bội bạn tình của họ thấp hơn so với các xã hội cổ điển. Tại sao? Bởi người phương Tây không phải chịu nhiều sức ép về việc ly hôn, trong khi người Trung Đông và châu Á sẽ chấp nhận ông ăn chả bà ăn nem để khỏi bị điều tiếng.

Với khuôn mặt da vàng mũi tẹt, tôi còn phải hứng chịu những kiếp nạn trời ơi, hậu quả của một số lượng lớn người giúp việc châu Á nhập khẩu vào Trung Đông bị coi thường như kẻ tôi tớ với sức lao động và thậm chí thân thể cũng có thể cho thuê. Kể cả khi tôi không để hở một tí da thịt nào thì những lời đề nghị khiếm nhã vẫn có thể rơi xuống đầu. Một buổi chiều, khi tôi đang đi trên đường thì một lão già lập cập chạy theo, mắt không nhìn mà tay thì xòe ra một sấp dina dày cộp. Máu sôi lên, tôi lập tức gào cho cả thành Amman phải nghe thấy: “Tati li umika! Tati li umika!” (Đưa tiền đó trả cho mẹ của ông ấy).

Ấm ức kể lại cho bạn nghe chuyện này, cô ta hỏi luôn: “Thế lúc đó cậu mặc gì?”. Thế là tôi lại nổi điên lên thêm một lần nữa. Trong một xã hội mà cái gì cũng có thể đổ vấy cho con gái, thay vì phải giáo dục đàn ông ngừng suy nghĩ bằng hạ bộ và phải tư duy bằng đầu, thì phụ nữ lại được răn dạy là phải che mặt lại, che chắn kín mít, và tránh đàn ông càng xa càng tốt. Bao nhiêu vụ hiếp dâm xảy ra đã được lũ yêu râu xanh ngụy biện là “Lỗi của cô ta! Ai bảo cô ta ăn mặc khiêu khích? Ai bảo cô ta đi ra đường một mình? Ai bảo cô ta không ở nhà vào giờ này? Ai bảo cô ta thích thể hiện?”.

Hồi ở Yemen, khi được một anh bạn nhắc khéo, tôi đã kiên quyết không thay chiếc áo cộc tay đang mặc bằng một chiếc áo kín đáo hơn. Tôi thẳng thắn: “Mai coi anh và những người đàn ông xung quanh là những cá nhân có văn hóa, có tư chất và đạo đức đủ để không hình thành những ý nghĩ xấu xa khi nhìn thấy một cô gái mặc áo như thế này”. Đàn ông đáng nhẽ phải cảm thấy bị xúc phạm khi phụ nữ từ chối bắt tay, đơn giản trong đầu cô ta nghĩ rằng “người đàn ông này có tiềm năng hãm hại mình”. Một xã hội toàn cấm đoán chỉ thể hiện sự bất lực và mất niềm tin vào con người.

Sinh ra từ tội lỗi

Nhưng nghĩ cho cùng, không tự bảo vệ không được. Đơn giản vì nếu mình không tự bảo vệ mình thì có khi những người đầu tiên muốn trừng phạt mình, hoặc thậm chí muốn mình phải lìa đời chính là gia đình mình. Cái màng trinh của một cô gái không đơn giản chỉ là một lớp da có thể bị rách khi đi xe đạp mà là một cái bằng chứng nhận đạo đức và danh dự của cả một dòng họ. Trong một xã hội mà phẩm giá quan trọng hơn tất thảy, người ta sẵn sàng ra tay giết chết người thân để bảo tồn danh tiếng cho gia đình.

Những người phụ nữ không phải là chủ nhân của cơ thể mình, bởi cơ thể đàn bà của họ là cội nguồn của sự sinh sôi và cũng là cội nguồn của tội lỗi. Ba tôn giáo cùng nguồn gốc: Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo tin vào câu chuyện Adam đã bị Eva dụ dỗ ăn trái cấm và kết cục là cả loài người được sinh ra từ lỗi lầm của phụ nữ. Câu chuyện tôn giáo này kết hợp với một nền văn hóa gia trưởng của sa mạc nơi sức mạnh của bộ lạc dựa vào khả năng chinh chiến của đàn ông, nơi các bé gái và phụ nữ trở thành gánh nặng trong cuộc sống du mục, nơi đàn ông quyền sinh quyền sát và đàn bà trở thành những kẻ bám theo lưng lạc đà, thua trận là bị thu gom thành chiến lợi phẩm. Số phận những người phụ nữ vì thế bị kìm kẹp bởi trái tim, lý trí và cái “phần mềm phía trước” của đàn ông. Trong tiếng Ả Rập, namus có nghĩa là danh dự. Danh dự của một người đàn ông phụ thuộc vào phẩm hạnh của người đàn bà: sự trinh trắng, sự khiêm tốn, khả năng đẻ con, sinh con trai, sự gọi dạ bảo vâng, sự răm rắp cưới người đã được gia đình lựa chọn, sự trung thành, sự tiết hạnh. Nếu vì một lý do nào đó người phụ nữ trót đánh rơi một mẩu phẩm hạnh này, người bị ô nhục là người đàn ông. Và cái chết của người phụ nữ là để rửa nhục cho đàn ông.

Lý do khiến phụ nữ có thể bị chính người thân của mình phải ra tay dài vô tận: Người Thiên chúa mà dám yêu người Hồi giáo, người Hồi giáo mà dám trốn đi với người ngoại đạo, người Hindu không cùng đẳng cấp mà dám dan díu với nhau. Thậm chí, khi một cô gái bị cưỡng hiếp, điều đó có nghĩa là những người đàn ông trong gia đình cô đã bị ô nhục vì không hoàn thành nghĩa vụ gìn giữ namus của chính mình. Một số gia đình cảm thấy họ không còn cách nào khác là phải giết người phụ nữ hoặc thuyết phục kẻ cưỡng hiếp phải cưới người phụ nữ vừa bị hãm hại. Giữa việc bị gia đình giết và phải sống với kẻ vừa cưỡng bức mình đến hết đời, tôi thực sự không biết lựa chọn nào khủng khiếp hơn.  (Còn tiếp)

Nguyễn Phương Mai

>> Kỳ 1: Thế giới yêu đương ở Trung Đông
>> Tiếng nói từ Trung Đông
>> Trung Đông hứng bão tuyết tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.