Tốt đẹp thì ngành nào cũng muốn ôm...

02/12/2013 21:09 GMT+7

(TNO) Từ các vụ việc nổi cộm trên địa bàn thủ đô Hà Nội trong thời gian gần đây, các đại biểu HĐND cho rằng hễ tốt đẹp thì ngành nào cũng muốn ôm nhưng xấu thì ai cũng muốn đẩy cho xa.

(TNO) Từ các vụ việc nổi cộm trên địa bàn thủ đô Hà Nội trong thời gian gần đây, các đại biểu HĐND cho rằng hễ tốt đẹp thì ngành nào cũng muốn ôm nhưng xấu thì ai cũng muốn đẩy cho xa.

 
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam - Ảnh: Thái Sơn

Chiều 2.12, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội thủ đô năm 2013, các đại biểu HĐND đã đề cập đến nhiều vụ việc cụ thể, để qua đó làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan.

Đề cập đến vụ việc thẩm mỹ Cát Tường gây chết người ở quận Hai Bà Trưng và 2 em bé bị tử vong liên quan đến cơ sở y tế tư nhân ở huyện Thường Tín (Hà Nội) mới đây, đại biểu Đặng Văn Chính (Chánh thanh tra Bộ Y tế) cho rằng cả hai cơ sở này đều không có giấy phép hành nghề, vẫn hoạt động nhưng không được cơ quan chức năng nào phát hiện, 'tuýt còi' vì trên dưới… không thông. Theo đó, các cơ sở này được cấp quận, huyện cấp giấy phép hoạt động nhưng lĩnh vực y tế là hoạt động có điều kiện, thanh tra không cấp nên không biết các cơ sở này.

Theo ông Chính, hiện cả thành phố có tới 6.000 cơ sở y dược tư nhân nhưng lực lượng thanh tra chỉ có 14 người, do vậy ông Chính đề nghị nên phân cấp trách nhiệm cho các quận, huyện, phường, xã để gánh bớt việc cho thanh tra.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) cho rằng vụ cháy ở Zone 9 làm chết 6 người mới đây được coi là bài học xương máu về an toàn lao động nhưng mổ xẻ trách nhiệm ra thì không đơn giản.

“Thành phố Hà Nội thu hồi của Xí nghiệp kinh doanh Dược phẩm Trung ương 2 về rồi định giao triển khai dự án nhưng chưa triển khai mà để cho một doanh nghiệp đứng ra khai thác kinh doanh một tổ hợp ở đây. Các hình thức kinh doanh ở đây lại vắng bóng cơ quan chức năng quản lý…”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng dẫn thêm sự vụ khác, liên ngành đi kiểm tra 51 điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố không đủ điều kiện kinh doanh nhưng sau đó chỉ đình chỉ 10 cây xăng, còn lại cho hoạt động vì đã… củng cố đủ điều kiện.

“Tôi đi tiếp xúc cử tri ở quận Hai Bà Trưng thấy người dân bức xúc về cây xăng ở đường Nguyễn Đình Chiểu. Hỏi thì bảo là khi nào hoạch định giao thông đường Nguyễn Đình Chiểu thì chúng tôi giải tán cây xăng này. Vậy, từ giờ cho đến khi hoạch định mà đã quy hoạch thì mất 5-10 năm mà xảy ra cháy nổ, chết người thì ai chịu trách nhiệm?", ông Nam lên tiếng.

Cũng theo ông Nam, mối quan hệ giữa cơ quan cấp phép hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước ở các hoạt động kinh doanh nhạy cảm như vũ trường, bar, kinh doanh xăng dầu… rất bất cập

“Khi mọi thứ an toàn tốt đẹp thì ai cũng muốn ôm vào mình nhưng khi xảy ra sự vụ liên quan trách nhiệm thì ai cũng đẩy cho xa, cuối cùng chẳng quy được trách nhiệm của ai cả”, ông Nam bức xúc.

Thái Sơn

>> Chậm thoái vốn đầu tư trái ngành vì sợ trách nhiệm
>> Cần chỉ rõ trách nhiệm
>> Cấp phép thủy điện tràn lan, không ai chịu trách nhiệm
>> Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Bộ Y tế liên quan ít nhiều đến trách nhiệm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.