9X gác bằng thạc sĩ, về quê khởi nghiệp với trùn quế

10/12/2021 07:15 GMT+7

Có bằng thạc sĩ nhưng anh Nguyễn Văn Thảo (31 tuổi), ngụ H.Trà Ôn, Vĩnh Long không đi xin việc mà quyết định về quê lập trang trại nuôi trùn quế kết hợp nuôi bò.

Năm 2015, khi đang học thạc sĩ ngành công nghệ sinh học tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, anh Thảo được thầy cô giới thiệu tham gia hội thảo nông nghiệp xanh, sạch. Từ hội thảo, anh biết đến mô hình nuôi trùn quế kết hợp nuôi bò vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết được vấn đề xử lý chất thải môi trường. Từ đó, sau khi tốt nghiệp, anh quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình này.

Theo anh Thảo, thực tế ở quê cho thấy phân bò chủ yếu được người nuôi xử lý sơ sài, chất đống hoặc đổ xuống mương, sông gây ô nhiễm. Trong khi đó, nguồn phân này có thể tận dụng để nuôi trùn quế, hạn chế việc xả thải. Vì vậy, anh quyết định lập trang trại nuôi trùn quế kết hợp nuôi bò.

Anh Thảo (bìa phải) giới thiệu mô hình nuôi trùn quế

DUY TÂN

Ban đầu, anh Thảo nuôi thử nghiệm trên diện tích 200 m² và dần dần nhân giống, mở rộng quy mô. Đến nay, diện tích nuôi trùn quế lên đến 1.000 m². “Lúc đầu, do chưa đủ kinh nghiệm nên thất bại cũng nhiều. Trùn nuôi lẫn đất do khâu ủ phân cho ăn không đúng cách, thế là không bán được. Sau đó, tôi khắc phục bằng cách thay đổi kết cấu chuồng trại và môi trường nuôi”, anh Thảo kể.

Năm 2018, anh Thảo tham gia thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Thới với hơn 15 xã viên. Anh liên kết với hộ chăn nuôi để có được nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định. Nhờ đó, nông dân có thêm lợi nhuận từ phế phẩm chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Các hộ chăn nuôi gia súc ở địa phương sẽ có thêm thu nhập từ việc bán phân bò cho hợp tác xã với giá thu mua từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, riêng trùn thịt được mua với giá 40.000 đồng/kg. Nhờ đó tăng thêm thu nhập trong sản xuất”, anh Thảo nói.

Về chuồng trại, có 3 cách xây là: kiên cố, bán kiên cố và tạm bợ. Chuồng xây kiểu kiên cố thì sử dụng mái tôn, xung quanh xây gạch, dưới nền lót lưới, phủ thêm lớp cát trên bề mặt để giúp trùn sinh trưởng và dễ thu hoạch. Có 2 cách cho trùn ăn là nổi và chìm. Thức ăn của trùn chủ yếu là phân bò, phân heo, phân dê và kết hợp cho ăn lục bình. Khi cho ăn xoay vòng như trên sẽ kích thích trùn ăn nhiều hơn, giúp trùn phát triển nhanh, môi trường sinh khối tươi xốp, trùn sinh sản nhiều hơn.

Anh Thảo cho biết trùn thịt từ khi thả giống khoảng 2 tháng thu hoạch một lần, với diện tích 1 m² có thể thu được 0,5 kg trùn thịt; còn phân trùn thì khoảng 3,5 - 4 tháng thu hoạch một lần. Mỗi tháng, anh Thảo thu hoạch từ 150 - 200 kg trùn thịt; riêng phân thành phẩm mỗi tháng xuất bán ra thị trường 20 - 30 tấn; giá trùn thịt 80.000 đồng/kg, phân trùn 8.000 đồng/kg. Nhờ đó anh có doanh thu hơn 1,8 tỉ đồng mỗi năm.

Với quy mô nuôi như vậy, anh Thảo tạo việc làm cho 3 lao động chính với mức lương 8 triệu đồng/tháng và lao động thời vụ khoảng 200.000 đồng/ngày. Ngoài ra, anh còn chuyển giao kỹ thuật nuôi trùn quế và bao tiêu đầu ra cho các hộ nuôi tại các tỉnh, thành: Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang…

Hiện nay, ngoài sản xuất phân trùn quế, anh Thảo còn phát triển đàn bò lên 8 con và đàn dê 12 con. Sắp tới, anh dự định mở rộng trại nuôi để làm một nông trại nhỏ, phát triển mô hình khép kín nuôi bò, dê, thỏ kết hợp nuôi trùn quế và cá, làm đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.